Ba lý do cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

Sức khỏe
06:51 PM 15/01/2022

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, việc thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm quá tải bệnh viện và giảm tỷ lệ tử vong.

Tình hình bệnh nhân nặng và tử vong trên cả nước nhìn chung đã giảm. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần cảnh giác, bởi thời gian gần đây số ca nhiễm tại Hà Nội và một số nơi khác xu hướng tăng.

Dựa trên tình hình hiện nay, bộ tiêu chí mới sẽ chú trọng vấn đề ca bệnh phải nhập viện và số ca tử vong. "Tiêu chí mới sẽ không còn đánh giá quá quan trọng về tỷ lệ ca nhiễm cộng đồng. Bởi hiện nay, việc điều trị ca nhiễm triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói, cho biết Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành bộ tiêu chí mới đánh giá cấp độ dịch.

Chiều 14/1, chia sẻ với báo chí, GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam, ủng hộ quan điểm của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cấp độ dịch mới, trong đó số ca nhiễm cộng đồng không còn quá quan trọng. Ông nêu ba lý do cần thiết để Việt Nam thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh.

Ba lý do cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội truyền nhiễm Việt Nam - Ảnh: Minh Thúy

Thứ nhất, các biến chủng mới gần đây có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng cũ. Đơn cử, chủng Omicron có tính lây nhiễm cao hơn 4,2 lần chủng Delta. Cùng một lúc, virus có thể lây nhiễm cho rất nhiều người, chu kỳ lây cũng ngắn hơn nên số ca nhiễm sẽ ngày càng tăng.

Thứ hai, theo quy luật tự nhiên, virus càng lây lan nhanh thì độc lực sẽ càng yếu đi. Hiện nay, Việt Nam đã bao phủ được vaccine diện rộng. Tuy nhiên, vaccine chỉ hạn chế sự lây lan của virus, hạn chế ca nhiễm chuyển nặng và tử vong. Nhiều người đã tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh. Vậy nên việc tiêm vaccine đủ liều và tiêm mũi thứ ba cũng khó làm giảm tốc độ dịch lây lan.

Tuy nhiên, tình trạng này không quá lo ngại. Bởi từ những nghiên cứu biến chủng Delta và Omicron cho thấy, các ca bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ ngày càng nhiều. Những người này trở thành nguồn lây cho cộng đồng, nhưng sẽ không gây bùng phát dịch bệnh như thời kỳ chưa bao phủ vaccine.

Thứ ba, nhiều nước đã thay đổi chiến lược từ zero COVID sang sống chung với virus, bởi dù nỗ lực xét nghiệm và truy vết bao nhiêu cũng không kịp với tốc độ lây nhiễm hiện nay. Trên thế giới chỉ còn Trung Quốc theo đuổi zero COVID, tức phải phong tỏa diện rộng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Việt Nam cũng đã chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn từ đầu tháng 10/2021. "Nghĩa là bên cạnh chúng ta có thể vẫn có người mắc COVID-19. Nhưng những người nhiễm virus không triệu chứng và triệu chứng nhẹ không được coi là bệnh nhân mà chỉ là người lành mang trùng. Họ không nhất thiết phải nhập viện điều trị mà chỉ cách ly tại nhà 3-5 ngày sẽ khỏi", ông Kính nói.

Ba lý do cần thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch - Ảnh 2.

Những người nhiễm virus không triệu chứng và triệu chứng nhẹ không nhất thiết phải nhập viện điều trị (Ảnh: Mạnh Cường)

Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhất định người cao tuổi, người có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, suy gan, suy thận... có nguy cơ diễn biến nặng và tử vong. Những người này cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên để kịp thời đưa đi điều trị.

"Dựa trên ba cơ sở nêu trên, việc thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh là rất cần thiết, trong đó chú trọng ca bệnh nặng và tử vong, thay vì số ca nhiễm mới như trước đây", GS Nguyễn Văn Kính nói.

Điều chỉnh này có 2 ý nghĩa quan trọng, thứ nhất là giảm quá tải bệnh viện, thứ hai là giảm tỷ lệ tử vong. Việc F0 nhẹ và không triệu chứng được tự điều trị tại nhà sẽ giúp người dân đỡ tốn kém về mặt kinh tế, nhân viên y tế cũng được giảm bớt căng thẳng áp lực. Bệnh viện có thể dồn trang thiết bị hiện đại như máy thở, ECMO cho các ca bệnh nặng, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn