Ba lý do tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng 10
Theo NHNN có ba lý do khiến tăng trưởng tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10 khi tính đến hết ngày 29/9 đạt 6,92% nhưng đến ngày 11/10 giảm còn 6,29% và đến ngày 24/10 đạt 6,81%.
Chiều 27/10/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây, tín dụng đã tăng nhanh hơn. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Trước đó, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 29/9 là 6,92%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong tháng 10/2023 (tính tới 24/10) đã quay đầu giảm 0,11%.
Tín dụng giảm bất chất từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trung bình hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay hiện thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế. Xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn.
Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác. Tại Hội nghị, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cũng chỉ ra ba nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10.
Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.
Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...
Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các TCTD đánh giá cao hơn, khi khách hàng vay không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thời gian tới, để triển khai và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện ngày 21/10, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoán và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước. Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.
NHNN cũng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.