Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai 3 kịch bản để phục hồi du lịch sau dịch Covid-19
Vừa qua dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu. Các hoạt động dịch vụ du lịch gần như bị đóng băng. Hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, doanh thu thua lỗ, ước tính số thiệt hại của ngành du lịch lên đến hơn 650 tỷ đồng. Để nhanh chóng phục hồi, ngành du lịch tỉnh có nhiều chương trình kích cầu, bắt đầu triển khai. Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh đã dành cho Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị một buổi phỏng vấn xung quanh vấn đề này.
Ông Trịnh Hàng Giám đốc Sở VH - TT - DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Phóng viên: Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có thế mạnh du lịch nổi tiếng, cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là ngành du lịch. Xin ông cho biết ngành du lịch tỉnh bị ảnh hưởng như thế nào trong thời gian qua?Ông nhận định thế nào về sự ảnh hưởng đến ngành du lịch trong những năm tiếp theo?
Ông Trịnh Hàng: Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh trên toàn thế giới, tại Việt Nam áp dụng việc thực hiện hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ các lễ hội, hội nghị và gần đây là cách ly toàn xã hội nên nhu cầu du lịch trong và ngoài nước đã bị tác động, suy giảm mạnh. Cụ thể trong Quý I/2020, tổng số lượt khách đến tỉnh đạt 2,72 triệu lượt, giảm 15% so cùng kỳ Quý I/2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.027 tỷ đồng, giảm 16%.
Trong tuần diễn ra dịp lễ 30/4 và 1/5, đồng thời, do dịch bệnh COVID-19 đã phần nào được kiểm soát và việc cách ly xã hội của các tỉnh, thành cũng được tháo gỡ nên các doanh nghiệp du lịch đã hoạt động trở lại, lượng khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh tăng lên so với tuần trước. Do ngày nghỉ lễ năm nay ít hơn năm 2019 và các bãi tắm trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được hoạt động lại. Vì thế, lượng du khách đến tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước; công suất phòng trong 04 ngày nghỉ chỉ đạt khoảng 50-55%.
Với những ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 đến ngành du lịch, do đó dự kiến năm 2020, tổng số lượt khách đến tỉnh đạt khoảng 13 triệu lượt (đạt khoảng 73,5% kế hoạch); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 14.500 tỷ đồng (đạt khoảng 75,7% kế hoạch. Đối với khách có lưu trú ước khoảng 03 triệu lượt (đạt khoảng 73,2% kế hoạch), trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 300 ngàn lượt (đạt khoảng 52,2% kế hoạch).
Phóng viên: Hầu hết các khu du lịch của tỉnh BRVT đều gắn liền với biển. Xin ông cho biết, đến nay các khu du lịch ven biển đã mở cửa trở lại chưa? Công tác quản lý sau khi mở cửa ra sao? Sở Du lịch có giải pháp nào hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định lại hoạt động và duy trì tăng trưởng trong thời gian tới?
Ông Trịnh Hàng: Căn cứ vào tình hình thực tế và kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid–19 trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4453/UBND-VP ngày 06/5/2020 về việc tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch Covid–19 trong tình hình mới. Trong văn bản, UBND tỉnh chỉ đạo từ 00 giờ, ngày 07/5/2020 các bãi tắm biển được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các địa phương có bãi tắm không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, có phương án điều hành quản lý các bãi tắm, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn 1m/người. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho khách du lịch thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn, bảo đảm khoảng cách an toàn. Thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện người có biểu hiện nhiễm bệnh.
Trước thực trạng ngành Du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, Sở Du lịch đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, cụ thể: Kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nắm và thực hiện đúng quy định để phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Sở Du lịch thường xuyên thực hiện báo cáo gửi Ban Chỉ đạo và các cơ quan có liên quan về diễn biến dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình hoạt động, khó khăn (lĩnh vực ngân hàng, người lao động, điện, nước,…) của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu dự thảo Thư ngỏ đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh bất động sản cho thuê mặt bằng kinh doanh trên địa bàn tỉnh hỗ trợ, giảm tiền thuê nhà, thuê mặt bằng kinh doanh,… nhằm san sẻ khó khăn với các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như nêu cao tinh thần tương thân tương ái.
Sở đã thống kê sơ bộ các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở Du lịch đã chủ động triển khai văn bản số 547/SDL-QLPTDL ngày 27/4/2020 gửi các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh để đề nghị cung cấp thông tin đơn vị. Đồng thời, triển khai đến Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch các văn bản của cấp trên, bao gồm: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất,…
Ngoài ra, đối với hoạt động kích cầu khôi phục thị trường hậu Covid-19, Sở Du lịch cũng đã triển khai các hoạt động như: Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch đăng ký tham gia chương trình kích cầu du lịch quốc tế và nội địa do Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổng Công ty hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) phát động; Chương trình kích cầu du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Làm việc với Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) tỉnh thực hiện phóng sự du lịch “Bà Rịa - Vũng Tàu - điểm du lịch an toàn, hấp dẫn”.
Quan trọng nhất đó là, Sở đã xây dựng kế hoạch truyền thông, kích cầu du lịch với thông điệp “Du lịch BRVT an toàn, thân thiện, vì sức khỏe cộng đồng” trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, Sở sẽ chú trọng đến công tác truyền thông du lịch trên các kênh truyền hình HTV, VTV, THVL, các trang báo mạng, fanpage; tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành Du lịch, tổ chức các đoàn famtrip để khảo sát, xây dựng điểm đến du lịch an toàn - thân thiện, phát triển các sản phẩm du lịch, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, các gói khuyến mãi của doanh nghiệp… để thu hút du khách. Nếu kế hoạch truyền thông, kích cầu du lịch được phê duyệt thì ngành du lịch sẽ tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện. Khi đó ngành du lịch của tỉnh sẽ vực dậy để đạt và vượt những chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Một góc nhìn TP Biển Vũng Tàu
Phóng viên: Vấn đề lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là phục hồi sự ổn định và phát triển sau đại dịch. Vậy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai kịch bản hồi phục ngành như thế nào, thưa ông?
Ông Trịnh Hàng: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Các hoạt động dịch vụ du lịch gần như bị đóng băng. Hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, doanh thu thua lỗ. Ước tính số thiệt hại của ngành du lịch lên đến hơn 650 tỷ đồng. Do tình hình của dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chưa xác định được thời điểm dứt của dịch nên ngành du lịch của tỉnh chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng để có giải pháp, kế hoạch cho hoạt động kích cầu, truyền thông du lịch để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thực hiện:
- Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong Quý II/2020 (tức là còn 01 tháng nữa) thì sau dịch bệnh, toàn ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông trong và ngoài nước theo kế hoạch kích cầu du lịch trình cho UBND tỉnh phê duyệt. Trọng tâm vào thị trường khách du lịch nội địa (thị trường quen thuộc từ TP.HCM, các tỉnh miền Tây, Đồng Nai, Bình Dương,…) nhằm thúc đẩy tăng trưởng của ngành và đạt các chỉ tiêu theo tính toán dự kiến đến hết năm 2020 như sau: Tổng số lượt khách đến tỉnh đạt khoảng 13 triệu lượt (đạt khoảng 73,5% kế hoạch); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 14.500 tỷ đồng (đạt khoảng 75,7% kế hoạch. Đối với khách có lưu trú ước khoảng 3 triệu lượt (đạt khoảng 73,2% kế hoạch), trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 300 ngàn lượt (đạt khoảng 52,2% kế hoạch).
- Đối với kịch bản thứ 2: Nếu như dịch bệnh có thể được kiểm soát vào Quý III/2020, tức là còn 03 tháng cuối năm. Nếu trường hợp này xảy ra, thì dự đoán doanh thu và lượt khách đến tỉnh sẽ giảm, sự hồi phục của ngành sẽ không nhiều. Vì diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn diễn ra phức tạp, sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng khách quốc tế đến tỉnh (tập trung vào mùa nghỉ đông - 3 tháng cuối năm) sẽ giảm mạnh. Thị trường nội địa quen thuộc cũng sẽ khó khăn trong việc kích cầu. Mặc dù chủ trương đã bỏ cách ly xã hội, nhưng khách vẫn còn tâm lý e dè tập trung chỗ đông người. Do đó, đối với kịch bản thứ 2 này, Sở sẽ cố gắng thực hiện tốt kế hoạch kích cầu, để các chỉ tiêu kế hoạch giao cho ngành trong năm 2020 đạt từ 60-65% kế hoạch.
- Còn nếu kịch bản thứ 3 diễn ra, tức là dịch sẽ được kiểm soát trong Quý IV/2020, thì hoạt động du lịch sẽ khó phục hồi trong năm 2020. Các hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh sẽ giảm đi hiệu quả rất nhiều. Khi đó, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra sẽ giảm sâu, có thể đạt 40-50% kế hoạch.
Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo tăng trưởng của ngành du lịch (theo kịch bản 1 và 2) đúng theo kế hoạch đề ra? Để được như thế, đòi hỏi phải có sự phối hợp thật sự hiệu quả của các Sở ngành, UBND các địa phương trong công tác triển khai các gói hỗ trợ của nhà nước đến với doanh nghiệp, người dân phải nhanh chóng, kịp thời, không để thiếu sót,… Ngành du lịch phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện kế hoạch kích cầu khi UBND tỉnh phê duyệt đúng theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra. Đồng thời phải tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch kích cầu cho những năm sau để vực dậy ngành du lịch, xứng đáng là một trong mũi nhọn trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Ân (thực hiện)
Số liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.