“Ba sẵn sàng” - Vì lí tưởng cách mạng cao cả của tuổi trẻ

Phòng phóng viên
08:15 AM 28/07/2024

Sáng 26/7, tại Hội trường K1, Trường Đại học Sư phạm tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: “Từ Ba sẵn sàng đến Thanh niên tình nguyện: Lịch sử và tiếp nối truyền thống của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Hội thảo có sự tham dự của chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; chị Hồ Hồng Nguyên - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn; anh Nguyễn Tiến Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hà Nội.

Về phía Trường Đại học Sư phạm, có PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng nhà trường; cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban chức năng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Buổi hội thảo còn có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nguyên Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội qua các thời kỳ, các thầy cô giáo, các bạn sinh viên và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

“Ba sẵn sàng” - Vì lí tưởng cách mạng cao cả của tuổi trẻ- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo.

Năm 1964, trong bối cảnh mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát động phong trào "Tam bất kỳ", là khởi nguồn của phong trào "Ba sẵn sàng". Ba nội dung cơ bản của phong trào "Tam bất kì", sau đổi gọi là "Ba bất kì", gồm: Bất kì đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần; Bất kì làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; Bất kì chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.

Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn và từ thực tiễn hoạt động của các cơ sở Đoàn trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là phong trào "Ba bất kì" tại Trường ĐHSP Hà Nội, tối ngày 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội họp phiên bất thường, quyết định phát động phong trào "Ba sẵn sàng" với nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.

Đến nay, nhân kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng" - mốc son sáng ngời vì lí tưởng cách mạng cao cả của tuổi trẻ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia với chủ đề: "Từ Ba sẵn sàng đến Thanh niên tình nguyện: Lịch sử và sự tiếp nối truyền thống của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới".

Tham luận tại Hội thảo cho thấy, hiện nay, việc tìm hiểu những vấn đề lịch sử của phong trào "Ba sẵn sàng" vẫn có giá trị thực tiễn đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên Việt Nam. 

“Ba sẵn sàng” - Vì lí tưởng cách mạng cao cả của tuổi trẻ- Ảnh 2.

Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo.

Trong bối cảnh mới của thực tiễn xã hội, đặc biệt là khi môi trường thông tin ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp, việc định hướng hành trang lập thân, lập nghiệp cho thanh niên, sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng, cần đặt lên hàng đầu trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Quá trình định hướng này nhằm giúp mỗi thanh niên, sinh viên chuẩn bị và sẵn sàng những yếu tố cơ bản nhất, như: Chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng sống, tâm thế… Đó cũng chính là sự phát huy tinh thần "Ba sẵn sàng" trong thời đại mới.

Hội thảo có tất cả 27 bài bài tham luận của nhiều đại biểu, chuyên gia tới từ nhiều trường Đại học trong cả nước, như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Kinh tế Quốc đân Hà Nội,...

Tham luận "Tác động của phong trào "Ba sẵn sàng" đến hoạt động yêu nước của thanh niên miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiếp cận qua tư liệu báo chí" của TS. Đinh Xuân Thao, Nguyễn Hữu Thắng, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rất đáng chú ý với nhiều thông tin bổ ích, thú vị.

TS. Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ: Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiếp cận và phân tích tư liệu từ báo Nhân dân và báo Thủ đô, hai tờ báo hoạt động cùng thời, có tầm ảnh hưởng lớn, uy tín trong việc cung cấp những số liệu có tính thời sự, cập nhật thông tin và có giá trị cao trong việc bổ sung góc nhìn sinh động về diễn biến của phong trào "Ba sẵn sàng".

Trên cơ sở tiếp cận và nghiên cứu tư liệu báo Nhân dân và báo Thủ đô, phong trào "Ba sẵn sàng" hiện lên như bảo chứng của tinh thần tuổi trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, có tác động sâu rộng đến hoạt động yêu nước của thanh niên miền Bắc trong ba khía cạnh, đó là học tập, sản xuất và tham gia chiến đấu.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Hoài - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trình bày tham luận nghiên cứu về "Giá trị phong trào "Ba sẵn sàng" và "Thanh niên tình nguyện" với việc giáo dục truyền thống và xây dựng bản sắc cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay.

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết, tham luận triển khai các nội dung nghiên cứu như: Xác định mối quan hệ giữa giá trị của truyền thống trong kiến tạo bản sắc; Hệ thống những nội dung chính của phong trào "Ba sẵn sàng", phong trào "Thanh niên tình nguyện" và việc triển khai, kết quả đạt được ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như trong toàn quốc; 

Chỉ ra và phân tích giá trị của phong trào "Ba sẵn sàng" và "Thanh niên tình nguyện" trong lịch sử Đoàn Thanh niên, trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; Chỉ ra sự cần thiết, khả năng vận dụng những giá trị của hai phong trào trên trong giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống yêu nước cho sinh viên hiện nay.

“Ba sẵn sàng” - Vì lí tưởng cách mạng cao cả của tuổi trẻ- Ảnh 3.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Xuyên suốt hội thảo, các báo cáo và ý kiến trao đổi, thảo luận đã góp phần làm rõ ý nghĩa lịch sử các phong trào xung kích, tình nguyện của thanh niên, sinh viên Việt Nam từ năm 1964 đến nay; ý nghĩa, giá trị lịch sử và sự phát triển của các phong trào này tại các trường Đại học được xem là mô hình tiêu biểu.

Đồng thời, làm rõ sức sống, sự lan tỏa của các phong trào, đặc biệt là phong trào "Ba sẵn sàng" và phong trào "Thanh niên tình nguyện"; các biện pháp giáo dục thế hệ trẻ, bồi dưỡng phẩm chất, phát huy truyền thống và giá trị của sinh viên trong thời đại mới trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo Khoa học quốc gia "Từ Ba sẵn sàng đến Thanh niên tình nguyện: Lịch sử và sự tiếp nối truyền thống của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới" là hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhân dịp kỉ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng".

Những vấn đề được trình bày và thảo luận trong Hội thảo đã góp phần thiết thực làm cho tinh thần "Ba sẵn sàng" được tiếp tục lan toả và phát huy sức mạnh trong phong trào, hoạt động của thanh niên, sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn