Ba tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng khoảng 42%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, xuất khẩu gạo hiện lọt top những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và đạt trên tỷ USD trong 3 tháng đầu năm. Nguyên nhân là nhờ các thị trường chính như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore đều tăng mua hàng Việt. Trong đó, các cuộc đấu giá gạo của Philippines quý I luôn có hàng Việt chiếm áp đảo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện duy trì ở mức dưới 580 USD/tấn. Đây là mức thấp nhất từ đầu năm tới nay và thấp hơn so với hàng Thái Lan, Pakistan. Trong khi đó, một số thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu hoặc đa dạng hóa nguồn cung.
Về việc này, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các quốc gia tăng mua hàng nhưng họ cũng lo ngại phụ thuộc vào Việt Nam nên đã lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung. Trong đó, Philippines, Indonesia đang nỗ lực tăng năng suất và diện tích sản xuất lúa trong nước năm nay. Các quốc gia này ngoài đưa ra các chương trình hỗ trợ phân bón, giống chất lượng cao, họ còn bổ sung thêm tài chính để nông dân trong nước tăng tốc trồng trọt.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không chỉ gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm giá, giá gạo đồ xuất khẩu từ trung tâm hàng đầu Ấn Độ trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2024 do nhu cầu giảm. Trong khi giá gạo Thái Lan giảm tuần thứ 4 liên tiếp do đồng baht yếu hơn.
Năm nay, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD. Năm ngoái, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - cao kỷ lục. Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo.
Mới đây, với mong muốn phát triển bền vững ngành lúa gạo, Bộ NNPTNT đã triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao), áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao.
Triển khai đề án này, thương hiệu lúa gạo của Việt Nam càng được khẳng định mạnh mẽ hơn trên thị trường thế giới. Đặc biệt, các giải pháp canh tác thông minh đã và đang áp dụng là minh chứng Việt Nam đang thực hiện và đóng góp cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, từ đó hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo.
Đề án cũng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần cùng thế giới đảm bảo an ninh lương thực bởi hiện nay, cùng với các nước xuất khẩu gạo truyền thống, Việt Nam đang xuất khẩu gạo phẩm cấp cao, đồng thời cam kết thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huyền My (t/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.