Ba Vì dâng hương tưởng nhớ Ngày hoá của Đức Thánh Tản Viên Sơn

Địa phương
08:54 AM 07/12/2024

Ngày 6/12 (tức mùng 6/11 năm Giáp Thìn), tại di tích Đền Trung (xã Minh Quang), UBND huyện Ba Vì, Hà Nội, đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Ngày hóa của Đức Thánh Tản năm 2024 và thực hiện lễ đúc chuông đồng.

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn đã được nhân dân Việt Nam lưu giữ từ ngàn đời nay. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba Vì hàm chứa nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội… Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, hàm chứa giá trị giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn".

Ba Vì dâng hương tưởng nhớ Ngày hoá của Đức Thánh Tản Viên Sơn- Ảnh 1.

Các vị lãnh đạo Huyện ủy - UBND huyện Ba Vì tổ chức lễ dâng hương.

Trong tâm thức dân gian vùng xứ Đoài, đặc biệt là tại Ba Vì, Đức Thánh Tản Viên Sơn là biểu tượng của tinh thần trị thủy, sáng tạo văn hóa và bảo trợ làng xã. Ngài được nhân dân tôn kính là Thượng đẳng tối linh thần, vị anh hùng văn hóa và tổ sư bách nghệ. Theo truyền thuyết, Ngài tên thật là Nguyễn Tuấn, sinh tại động Lăng Sương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).

Tại buổi lễ, đại diện huyện Ba Vì đã kính dâng lễ vật và nén tâm hương lên Đức Thánh, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và tri ân công đức của Ngài. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh chia sẻ: Việc thờ cúng Đức Thánh Tản đã ăn sâu vào đời sống của người dân Ba Vì, thể hiện niềm tin thiêng liêng và mong ước mưa thuận gió hòa, dân sinh ấm no.

Ba Vì dâng hương tưởng nhớ Ngày hoá của Đức Thánh Tản Viên Sơn- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi lễ

Ngay sau lễ dâng hương là lễ đúc chuông tại đền Trung. Đây là hạng mục nằm trong dự án tôn tạo đền Trung, được triển khai từ năm 2012 đến nay bằng nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Chuông có kích thước cao 2,15m, đường kính 1,08m, nặng 968kg, bằng chất liệu đồng đỏ.

Ba Vì dâng hương tưởng nhớ Ngày hoá của Đức Thánh Tản Viên Sơn- Ảnh 3.

Thực hiện nghi lễ đúc chuông

Chuông đồng được thiết kế bốn mặt Xuân - Hạ - Thu - Đông, tượng trưng cho bốn mùa của thiên nhiên, thời tiết và lễ hội truyền thống của dân tộc, tạo nên một vòng tuần hoàn trọn vẹn. Mỗi mùa thỉnh chuông ứng với mỗi mặt mang ước vọng về bốn mùa mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, mọi việc khởi dựng thành công tốt đẹp.

Cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (gồm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 2008; Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2018.

Hoàng Chiến
Ý kiến của bạn
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.