Ba Vì: Khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương năm du lịch 2025
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được huyện Ba Vì tổ chức hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với người dân địa phương. Sáng 11/2, (tức ngày 14 tháng Giêng), tại di tích Đền Hạ (xã Minh Quang) đã diễn ra Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Ất Tỵ và khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2025.
Dự buổi lễ có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, lãnh đạo sở, ngành và huyện Ba Vì.

Các đại biểu thành phố, lãnh đạo sở, ngành và huyện Ba Vì tham dự buổi lễ
Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh không chỉ tưởng nhớ tới người anh hùng văn hóa, vị Thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" của người Việt mà còn thể hiện ước vọng chinh phục thiên nhiên, chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân.
Tín ngưỡng phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh bao trùm một vùng không gian văn hóa rộng lớn khu vực Đồng bằng Bắc bộ, trong đó đậm đặc nhất là vùng Xứ Đoài (mà vùng lõi là huyện Ba Vì). Trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích, trong đó có trên 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên với rất nhiều di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp thành phố. Di tích thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh lâu đời và tiêu biểu nhất là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ ( thuộc địa bàn hai xã Ba Vì và Minh Quang).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh, nhắc đến Ba Vì, không thể không nhắc đến hình ảnh núi Tản Viên (hay còn gọi là núi Ba Vì) - ngọn "chủ sơn" của nước Việt, gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Trong tâm thức dân gian và tín ngưỡng Việt - Mường cổ vùng văn hóa Hùng Vương, núi Tản Viên có mối liên hệ mật thiết với kinh đô Phong Châu xưa. Chính vì vậy, hình tượng Đức Thánh Tản đã được ghi nhận từ rất sớm trong thư tịch cổ và trường tồn trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân suốt hàng nghìn năm qua.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh phát biểu khai hội.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh năm nay, gồm hai phần: Lễ và hội, với nhiều nội dung hấp dẫn. Phần lễ bắt đầu từ đêm 13 tháng Giêng với nghi thức rước nước từ sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ. Nghi lễ này có sự tham gia của đôi thiện nam - thiện nữ được lựa chọn kỹ lưỡng cùng lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và đông đảo người dân, du khách. Trong không gian huyền bí của đêm hội, đoàn rước sẽ lên thuyền ra giữa dòng sông Đà để lấy nước thiêng, mang về bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ.
Phần hội được tổ chức với các hoạt động văn hóa văn nghệ, tổ chức thi đấu các môn như: bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy… của đồng bào các dân tộc trong và ngoài huyện tham gia.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đánh trống khai hội.
Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh cũng góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương - Nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt. Bên cạnh đó, tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, hàm chứa giá trị giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"... Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông để lại, từng bước phục dựng có chọn lọc các nghi thức lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.
Là huyện có địa hình đa dạng và cảnh quan đặc sắc, Ba Vì có lợi thế vượt trội về hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa đặc sắc và mạng lưới giao thông thuận lợi để phát triển kinh tế nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng. Năm 2024, các khu du lịch của huyện đã đón 2,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 430 tỷ đồng. Nhiều điểm du lịch quy mô nhỏ, nhưng bám sát thị hiếu du khách, tập trung vào trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, ẩm thực và văn hóa bản địa...
Năm 2025, huyện Ba Vì phấn đấu hoàn thành quy hoạch vùng, trong đó chú trọng phân khu du lịch để thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng du lịch địa phương. Sau Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh Xuân Ất Tỵ và khai trương Năm du lịch huyện Ba Vì 2025 , huyện khuyến khích các đơn vị lữ hành đổi mới, giới thiệu sản phẩm mới và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Ba Vì - một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, anh hùng cách mạng, xứng đáng là điểm đến du lịch đặc sắc của Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khai trương du lịch Ba Vì năm 2025.
Việc tổ chức Lễ khai trương du lịch năm 2025, huyện Ba Vì mong muốn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, để phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn; đồng thời tăng cường sự hợp tác, giao lưu, xúc tiến phát triển các khu du lịch của huyện với cả nước và quốc tế, phấn đấu đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Hoàng Chiến
Đây là dự báo được chuyên gia kinh tế của Standard Chartered đưa ra tại tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và thế giới trong nửa đầu năm 2025, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 20/2.