Bắc Giang: Bánh chưng Vân nhộn nhịp ngày cuối năm
Vốn nổi tiếng là mảnh đất có thương hiệu "bánh chưng làng Vân", xã Hoàng Vân (Hiệp Hoà, Bắc Giang) những ngày cuối năm càng nhộn nhịp, bận rộn hơn bởi nhiều đơn đặt hàng của khách hàng gần xa.
Hương vị đặc biệt
Bánh chưng không còn xa lại với người dân Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhà nhà lại tổ chức gói bánh chưng. Bánh chưng Vân ngon hơn nhiều nơi khác bởi nguyên liệu được lựa chọn kỹ và quy trình làm bánh khá cầu kỳ.
Khác với bánh chưng các vùng khác, bánh chưng làng Vân được gói cẩn thận bằng lá chít, một loại lá có sẵn ở vùng quê này.
Lá chít là một loại gần giống như cây lau, cây sậy, còn có tên gọi khác là cây đót. Đôi khi nhiều người nhầm loại tre măng bát độ trồng để lấy măng vì hình dáng của lá rất giống. Lá chít cứng, hình giáo rộng, nhọn mũi, dài 30-60cm, rộng 5-10cm.
Lá chít sau khi luộc, được bỏ ra để gói bánh. Người gói sẽ dùng khoảng 8- 10 lá xếp sát nhau, tạo thành một một bản dày, khít, chắc chắn.
Theo chị Nguyễn Thị Trinh (một gia đình làm bánh ở xã Hoàng Vân): Để có nguyên liệu làm bánh tốt nhất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trước đó gần 3 tháng, chị đặt mua gạo nếp ở thôn Vạn Thạch, xã Hoàng Vân và vùng sản xuất nếp cái hoa vàng xã Thái Sơn; mua thịt lợn, đỗ xanh từ các hộ sản xuất uy tín. Gạo nếp ngâm chừng 4 tiếng sau đó vo sạch, để ráo. Khâu luộc cũng cần đúng kỹ thuật. Luộc bánh bằng củi, lửa không quá to hoặc quá nhỏ. Muốn cho bánh dền, dẻo, sau khi vớt khỏi nồi, bánh được lăn đều trên rơm nếp.
Ruột bánh chưng Vân không xanh mà có màu trắng vì gói bằng lá chít, dền dẻo, thơm mùi gạo nếp và đỗ xanh. Gạo gói bánh là loại nếp cái hoa vàng; khi ăn bánh thơm ngon, bùi ngậy nên được khách hàng xa gần đặt mua vào dịp Tết đến.
Hiện nay, tại xã Hoàng An những ngày cuối năm cũng có gần 20 hộ gói bánh chưng cung cấp ra thị trường Tết. Hàng trăm lao động luôn chân luôn tay trong dịp này, công việc bắt đầu từ 4 giờ sáng cho đến nửa đêm, tất bật từ vo, ngâm gạo, đãi đỗ xanh, thái thịt, ướp gia vị, chuẩn bị lá, dây giàng bánh, gói, luộc, vớt và lăn bánh... Số lượng bánh của Hoàng An bán ra mỗi ngày khoảng 2.000 chiếc. Bánh chưng làng Vân có giá dao động từ 40.000 - 45.000 đồng một cái, phụ thuộc vào giá nguyên liệu.
Những ngày Tết, nơi đây luôn tất bật với công việc gói bánh, giao bánh khắp nơi. Các đơn hàng dồn dập hơn từ khoảng ngày 20 âm lịch. Các gia đình coi đây là một nghề tay trái giúp kiếm thêm thu nhập trong mỗi dịp Tết về.
Lưu giữ và phát triển làng nghề
Nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, đặc biệt, bánh chưng làng Vân được thực khách gần xa biết đến đặt mua về ăn hoặc làm quà biếu. Mỗi chiếc bánh là cả tâm huyết, gửi gắm vào đó là hồn quê, hương vị quê hương của mỗi người thợ làm bánh. Mặc dù nhu cầu thị trường lớn song các hộ làm nghề coi trọng chữ tín, chất lượng sản phẩm, không vì thế mà xem nhẹ các khâu làm bánh.
Bánh chưng làng Vân tuy có tiếng nhưng quy mô sản xuất không lớn. Tất cả những cơ sở sản xuất bánh chưng đều là của các hộ gia đình riêng lẻ. Khi số lượng đơn hàng lớn thì các hộ gia đình nhờ thêm hàng xóm, họ hàng tới gói cùng.
Ông Nguyễn Văn Vân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Vân cho biết, HTX có 27 thành viên. Lượng đơn hàng đông thường từ ngày 25 tháng Chạp đến nay, các hộ thường xuyên đỏ lửa suốt ngày đêm để kịp sản xuất bánh chưng theo đơn đặt hàng. Trước đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ gặp chút khó khăn song người dân đều khắc phục và vận chuyển kịp thời tiêu thụ đến với khách hàng gần xa.
Hiện nay, bánh chưng lành vân được coi là sản phẩm nông nghiệp của vùng. Đây là sản phẩm đặc trưng nên cấp ủy, chính quyền rất quan tâm tới việc khuyến khích người dân gắn bó với nghề, làm tốt công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Vì thế, nhiều siêu thị ở Hà Nội, Bắc Ninh đã đặt hàng sản phẩm này.
Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về, UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức thi gói bánh chưng Vân, vừa để nâng cao tay nghề, vừa là dịp quảng bá sản phẩm. Thương hiệu bánh chưng Vân đã, đang được nhiều người biết đến.
Trong xã hội hiện đại nhiều phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng một tập quán xa xưa vẫn được người Việt lưu giữ tới nay và mãi về sau đó là tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết. Một nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, khi mọi người cùng nhau bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ. Và ở làng Vân, ngọn lửa ấy vẫn cháy hồng ấm và lưu giữ mãi hương vị quê hương!
Minh ĐăngKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.