Bắc Giang: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ về công tác CCHC của tỉnh Bắc Giang đã cơ bản được hoàn thành, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Huy động toàn cấp, toàn ngành CCHC
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; đồng thời đã huy động được sự tham gia của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và người dân, doanh nghiệp cùng tham gia; các Nghị quyết, Kế hoạch, đề án, văn bản chỉ đạo về công tác CCHC đã được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; nguồn lực cho thực hiện công tác CCHC được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trước tiên là công tác cải cách thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách được thường xuyên rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đảm bảo thống nhất với quy định của Trung ương và phù hợp tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh.
Ở công tác cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản giúp thay đổi phương pháp, cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh giúp công khai, minh bạch, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC. Đặc biệt, Bắc Giang là một trong 7 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công và đưa vào hoạt động từ năm 2016. Bộ phận Một cửa tại cấp huyện, cấp xã đã được triển khai áp dụng đồng bộ, hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả. Đến nay, 91,11% TTHC của cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các TTHC có thời hạn giải quyết từ 15 ngày trở lên được cắt giảm từ 25-30%. Nhiều TTHC đã được giải quyết sớm, trước hạn và giải quyết trực tiếp trong ngày. Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 đạt 89,18%, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2019 đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được chú trọng. Việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, Bắc Giang đã sắp xếp giảm 13 phòng chuyên môn, chi cục và tương đương cấp sở, 142 đơn vị sự nghiệp công lập, 23 ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đặc biệt, đã hoàn thành sắp xếp, sáp nhập 40 xã, thị trấn, 679 thôn, tổ dân phố, qua đó đã giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã và giảm 362 thôn, tổ dân phố. Toàn tỉnh đã giảm được 3.362 biên chế so với thời điểm năm 2015, trong đó khối hành chính, sự nghiệp giảm được trên 3.000 người, đạt xấp xỉ 8%.
Công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm thực hiện thường xuyên. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức, tác phong, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm được phê duyệt. Việc rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ khuyến nông, thú y, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn được thực hiện kịp thời, bài bản. Công tác cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử thường xuyên được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả khả quan.
Kết quả công tác CCHC nhà nước thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đem đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo lập môi trường pháp lý, hành chính thông thoáng, thuận lợi, đóng góp tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của tỉnh (tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 10,5%, giai đoạn 2016 - 2019 đạt bình quân 15,1%, năm 2019 đạt 16,2%).
Một số cơ quan, địa phương thực hiện tốt công tác CCHC trên các lĩnh vực như các Sở: Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nội vụ, LĐ-TB&XH, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính Văn phòng UBND tỉnh, thành phố Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang,…
Hướng đến xây dựng, hoàn thiện nền hành chính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp
Về phương hướng, mục tiêu ở giai đoạn 2021 - 2030, đồng chí Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho hay: Địa phương sẽ tiếp tục duy trì, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện CCHC giai đoạn 2011 - 2020, triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung theo chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, chú trọng các nội dung cải cách thể chế, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính.
Đó là việc huy động các cấp ủy, chính quyền, các bộ phận chủ động, cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của từng cơ quan, địa phương; xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách TTHC về cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đơn giản trong giải quyết TTHC; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp; tổ chức thực hiện tốt các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt,…
Bắc Giang đang hướng đến xây dựng, hoàn thiện nền hành chính phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu các chỉ số về năng lực canh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số CCHC nhà nước xếp thứ hạng từ khoảng 10 - 20 so với 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Việt DũngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.