Bắc Giang có 253 sản phẩm OCOP
Theo thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, lũy kế kết thúc đánh giá phân hạng đợt 1 năm 2023, toàn tỉnh Bắc Giang có 253 sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm 4 sao, 220 sản phẩm 3 sao (trong đó có 29 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại và thực hiện nâng sao).
Năm 2018, tỉnh Bắc Giang được Bộ NNPTNT lựa chọn để tổ chức Hội nghị toàn quốc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa Bắc Giang trở thành một trong 5 tỉnh đi đầu cả nước phê duyệt đề án và triển khai thực hiện Chương trình một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành và vận dụng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đến hướng dẫn quy trình triển khai, tư vấn sản phẩm, xúc tiến thương mại…
Về số lượng sản phẩm từng địa phương, tính đến tháng 8/2023 đã có 10/10 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó nhiều nhất là Lục Ngạn có 40 sản phẩm (10 sản phẩm 4 sao; 30 sản phẩm 3 sao); thấp nhất là huyện Sơn động có 7 sản phẩm được công nhận (7 sản phẩm 3 sao).
Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 1 sản phẩm thuộc nhóm Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (điểm du lịch sinh thái - văn hóa Bản Ven của HTX Thân Trường, huyện Yên Thế); 1 sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân tiềm năng 5 sao và đang được Hội đồng cấp Trung ương tiến hành đánh giá, phân hạng.
Các sản phẩm OCOP được công nhận phần lớn là các sản phẩm mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Mai… bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Phúc Hòa; vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo…
Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp: sản phẩm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO xuất sang thị trường Đức; các sản phẩm của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu xuất sang Pháp; các sản phẩm giấm của Công ty TNHH thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc
Trong giai đoạn 2018-2023, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ cho trên 150 lượt HTX, doanh nghiệp với khoảng 450 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia 10 hội chợ, triển lãm, diễn đàn, sự kiện kết nối cung cầu. Nhiều doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP đã chủ động đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, đã có trên 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối khác.
Tỉnh Bắc Giang cũng hỗ trợ xây dựng 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện Yên Thế, Lục Nam, Việt Yên và TP Bắc Giang. Qua đó, tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP trên thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm như hỗ trợ bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, công bố chất lượng, máy móc thiết bị… qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30-35 sản phẩm), trong đó có khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia.
Minh ĐăngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.