Bắc Giang: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải
Vải thiều đang vào vụ thu hoạch. Toàn tỉnh Bắc Giang đang đang triển khai nhiều giải pháp để quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Phát triển thương hiệu vải Bắc Giang
Năm 2023, tổng diện tích vải thiều của Bắc Giang là 29.700ha, sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 25/5 đến ngày 30/7. Tỉnh duy trì 178 mã số vùng trồng đủ điều kiện sản xuất phục vụ xuất khẩu, diện tích 16.694,9ha; đồng thời hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp thêm 45 mã số vùng trồng; nâng tổng số vùng sản xuất năm 2023 là 223 vùng trồng, sản lượng ước đạt trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu. Duy trì 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu.
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm nay thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt. Để đảm bảo niên vụ vải thiều 2023 tiếp tục thắng lợi, tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại ngay từ đầu vụ, đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật; hướng dẫn thực hiện đúng quy định của nước nhập khẩu, hệ thống phân phối về quy trình thu hoạch, bảo quản, đóng gói, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm…
Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm nay, thị trường nội địa dự kiến tiêu thụ 81.000 tấn, xuất khẩu khoảng 99.000 tấn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…
Để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết, huyện sẽ phối hợp với Sở Công Thương và chủ động thành lập đoàn công tác khảo sát, tìm hiểu thị trường Trung Quốc; thành lập các đoàn khảo sát thị trường các cửa khẩu của Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các chợ đầu mối miền Nam như: Thủ Đức, Dầu Giây; gặp mặt Ban quản lý khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên để tổ chức kết nối cung ứng sản phẩm đến công nhân, người lao động; khảo sát, làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc vận chuyển hàng nông sản của địa phương.
Bắc Giang có một số cách làm mới như: thành lập các đoàn công tác sang Trung Quốc và một số nước như: Thái Lan, Campuchia để xúc tiến thương mại, thông tin cho các doanh nghiệp về sản lượng và chất lượng vải thiều của Lục Ngạn. Bên cạnh đó, chủ động ký kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử để có thể bán hàng trực tuyến.
Mới đây, Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế vào thị trường Mỹ. Năm 2023, dự kiến sẽ có 1.500 tấn vải được xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã kết nối với các tỉnh, thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá chất lượng, sản lượng vải Bắc Giang và thông qua hội nghị quốc tế để giới thiệu quả vải Bắc Giang tới thị trường mới.
Minh ĐăngTại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 635 ha.