Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều chín sớm
Ngày 30/5, tại xã Phúc Hòa, Ủy ban nhân dân huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm và tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều với các đơn vị doanh nghiệp.
Huyện Tân Yên coi trọng tất cả các thị trường trong nước và xuất khẩu để tiêu thụ vải thiều. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua để xuất khẩu. Từ đầu vụ đến nay, có hàng nghìn lượt người đã đến địa bàn huyện tham quan, trải nghiệm vùng vải sớm.
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến, ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, với diện tích 1.340 ha, sản lượng vải thiều toàn huyện ước đạt hơn 15,5 nghìn tấn, đặc biệt vải thiều chín sớm Tân Yên là sản phẩm nổi tiếng của địa phương.
"Huyện Tân Yên coi trọng tất cả các thị trường trong nước và xuất khẩu để tiêu thụ vải thiều. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua để xuất khẩu. Đặc biệt chú trọng công tác định hướng, kết nối với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu quả vải sớm và các nông sản chủ lực, đặc trưng của huyện đến với tay người tiêu dùng" - ông Hưng nói.
Cũng theo ông Ngô Quốc Hưng, hiện các doanh nghiệp, thương nhân, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối đã ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt hiện nay huyện đã thu hút được hàng nghìn lượt người đến tham quan, trải nghiệm vùng vải sớm.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá cao ưu điểm của vải thiều chín sớm Tân Yên. Ngoài được thu hoạch sớm, sản phẩm còn có vị ngọt thanh, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), năm nay, việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức. Trung Quốc đòi hỏi nhiều tiêu chí cao hơn đối với trái vải của Việt Nam. Vì vậy, huyện Tân Yên cũng như tỉnh Bắc Giang cần chỉ đạo sát sao quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; đồng thời đầu tư cho chế biến sâu, giảm áp lực tiêu thụ trái vải tươi.
Ông Lê Thanh Hòa, Cục phó Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thông tin, hiện nay vải thiều của Việt Nam, trong đó có Bắc Giang chất lượng không đồng đều, có sự chênh lệch giữa sản phẩm cùng loại với một số nước. Để duy trì, ổn định chất lượng sản phẩm, tỉnh Bắc Giang cần có sự giám sát, quản lý chặt chẽ mã vùng trồng, kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp bảo đảm an toàn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước.
Tại hội nghị, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang khẳng định, đây là dịp để huyện Tân Yên quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm của huyện; tạo cơ hội cho các thương nhân trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác, hợp tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dẫn dắt tiêu thụ thuận lợi vải sớm Tân Yên, mà còn cho vải chính vụ trong thời gian tới.
Để giữ vững thương hiệu vải thiều sớm Tân Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện cần hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, bảo đảm chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu mua, lưu thông, tiêu thụ.
Ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng bảo đảm các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm; chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội...
Nhân dịp này, các đại biểu dự hội nghị đã cắt băng xuất hành đoàn xe đưa vải thiều chín sớm tiêu thụ tại thị trường quốc tế.
Văn GiangTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.