Bắc Giang: Đòn bẩy từ chương trình “mỗi xã một sản phẩm”
Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tuy mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển các sản phẩm có lợi thế của các địa phương.
Thúc đẩy kinh tế vùng
Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ năm 2018 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo, phương châm của tỉnh Bắc Giang khi xây dựng các sản phẩm OCOP là đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP. Đây chính là bước mở để kinh tế nông thôn phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, phát triển bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao (vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân), 42 sản phẩm 4 sao (chiếm 23,3%), 138 sản phẩm 3 sao (chiếm 76,7%); tỉnh Bắc Giang hiện có 1 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn,..
Nhờ có những chính sách quảng bá, xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm của quê hương Bắc Giang không chỉ hướng đến thị trường trong nước mà còn quảng bá đến bạn bè quốc tế. Trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ cho trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung - cầu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (đã có hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử)...
Gắn với phát triển du lịch
Với nhiều địa phương, OCOP bước đầu đã tạo ra được nhiều sản phẩm thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên cũng có một số hạn chế như: Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP mang tính thời vụ, quy mô sản xuất chưa cao. Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho xây dựng sản phẩm OCOP còn yếu. Các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn yếu về năng lực quản trị, tài chính, đặc biệt nghiên cứu chuyển đổi mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu thị trường, quảng bá sản phẩm OCOP còn kém. Thứ ba, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các HTX, người dân chưa đồng bộ, thậm chí một số cán bộ xã còn chưa biết sản phẩm OCOP là gì, chưa hiểu làm sản phẩm OCOP sẽ được gì, thì sẽ không làm được sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Giang đang chú trọng phát triển du lịch gắn kết với sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang được tỉnh, lãnh đạo ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm, xem đây là cơ hội để nâng tầm du lịch của tỉnh và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng một số trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP... Cần củng cố, nâng cấp, thành lập mới các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; tư vấn, hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; gắn Chương trình OCOP với chương trình khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn. Hỗ trợ các tổ chức kinh tế đẩy mạnh sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị.
Như vậy, để sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế, rất cần các chủ thể tham gia Chương trình OCOP có cách làm mới, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và thị trường tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các hiệp hội ngành hàng làm "bà đỡ" để sản phẩm OCOP của các địa phương vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.
Trương HưngBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.