Bắc Giang đón nhiều tin vui từ du lịch
Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đón hàng triệu lượt khách đến thăm quan, du lịch.
Điểm đến "hút" khách
200 nghìn lượt khách đã đến với Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử trong dịp năm mới đến nay. Đây là nơi diễn ra Lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 nên thu hút rất đông khách thập phương.
Cùng với lợi thế cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tiếp tục được đơn vị quản lý cho cải tạo, mở rộng bãi đỗ xe, trồng hoa tươi, làm thảm hoa nhân tạo; thường xuyên bảo dưỡng hệ thống cáp treo, xe điện để phục vụ chu đáo, tạo ấn tượng tốt đối với du khách.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, ông Hoàng Văn Trọng cho biết: "Để tạo ấn tượng đẹp đối với du khách khi đến huyện, ngoài Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, UBND huyện chỉ đạo đơn vị liên quan làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Số lượng lớn du khách đến huyện không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mà còn thu hút các doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư các dự án, nhất là lĩnh vực chế biến lâm sản".
Cùng với Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm cũng đón hơn 100 nghìn lượt khách đến vãn cảnh, lễ Phật. Đây là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong hành trình khám phá du lịch tâm linh "Về miền đất thiêng Tây Yên Tử". Năm nay, khuôn viên chùa được trang trí nhiều tiểu cảnh đẹp: Mô hình chợ quê, vòm hoa, đèn lồng. Đặc biệt, du khách còn được trải nghiệm tự tay in mộc bản trên giấy. Những bức ảnh đẹp về ngôi chùa cổ kính này trong những ngày đầu xuân được mọi người chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội càng "hút" khách đến điểm du lịch này nhiều hơn.
Những ngày đầu năm mới, Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) cũng đón hơn 40 nghìn lượt khách tham quan, vãn cảnh, tăng khoảng 70% so với cùng thời điểm khi chưa có dịch COVID-19. Có được kết quả này là do công tác tuyên truyền, quảng bá được đơn vị chức năng TP quan tâm đẩy mạnh, nhất là trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Mang đến sự hài lòng cho du khách
Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 1 triệu lượt. Không chỉ khách nội tỉnh, nhiều du khách và các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch các tỉnh, TP như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hồ Chí Minh cũng đưa du khách đến với Bắc Giang tham quan, khám phá, tìm kiếm cơ hội liên kết phát triển du lịch.
Hiện đã có một số công ty lữ hành, doanh nghiệp xây dựng tour đưa khách về Bắc Giang với các điểm đến là chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng); Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, điển hình như: Liên minh Hành trình tâm linh (gồm 6 doanh nghiệp du lịch lớn ở Hà Nội), Công ty cổ phần khai thác và dịch vụ du lịch SGO (SGO Travel).
Tại Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), nếu như trước kia lượng khách đến nơi này chủ yếu tập trung vào tháng Tư âm lịch và mùa hè thì nay chỉ trong tháng 2, nơi đây đón gần 20 nghìn lượt khách.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, để hút khách, đơn vị tiến hành phát quang bụi rậm đường lên thác Thùm Thùm, vệ sinh môi trường ở khu vực suối, thác; nhắc nhở du khách không vứt rác bừa bãi, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan. Hiện đơn vị đang lên kế hoạch xây dựng các tiểu cảnh, mô hình ở một số khu vực tạo sự mới lạ.
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh; tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm về liên kết phát triển du lịch có sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp làm du lịch có năng lực, uy tín. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ mua sắm và lưu trú, nâng cao chất lượng dịch vụ ăn, nghỉ. Tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch.
Lê MạnhTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.