Bắc Giang: Làm giàu bền vững nhờ mô hình nuôi chim cu gáy

Địa phương
01:58 PM 13/12/2023

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân thuộc các vùng nông thôn Bắc Giang bắt đầu phát triển kinh tế gia đình từ nuôi chim cu gáy với nhiều giống khác nhau. Từ mô hình này, nhiều hộ đã thành công, vươn lên làm giàu bền vững.

Năm 2016, anh Nguyễn Thành Khôi, thôn Thượng Vũ, xã Quỹ Sơn, huyện Lục Ngạn đã bắt được 2 đôi cu gáy non trong khi thu hoạch vải thiều và đem về nuôi. Nhờ nắm bắt được nhu cầu nuôi chim cu gáy mà gia đình anh có kinh tế ổn định, thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Khôi chia sẻ, cu gáy dễ nuôi. Chuồng chim cũng khá đơn giản, chỉ cần dùng lưới sắt vây thành những ngăn nhỏ. Mỗi ngăn nhốt một đôi, bên trong tạo ổ bằng rơm, rạ hoặc chất xơ từ cây cối cho chim sinh sản. Chuồng nuôi chim đặt ở ngoài vườn cây ăn quả, tạo phong cảnh gần gũi với thiên nhiên. Chim có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh; thức ăn là các loại hạt như thóc, ngô, vừng, đỗ xanh…

Bắc Giang: Làm giàu bền vững nhờ mô hình nuôi chim cu gáy- Ảnh 1.

Mô hình nuôi chim cu gáy của gia đình chị Thuận xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang. Ảnh: snnptnt.bacgiang.gov.vn

Sau quá trình nhân đàn, năm 2019 anh mở rộng quy mô chuồng nuôi. Đến nay anh có 80 đôi chim cu gáy bố mẹ, 30 đôi chim cu gáy Thái Lan. Để nuôi chim cu gáy hiệu quả, anh đã mua thêm 200 đôi chim cu gáy Nhật Bản chuyên để ấp trứng và nuôi chim cu gáy bản địa. Sau khi chim non nở được khoảng 10 ngày sẽ tách mẹ, chuyển chăm sóc riêng, việc này giúp chim non thuần hơn. 

Hiện chim cu gáy sau khi nở từ 20-25 ngày giá bán khoảng 350 nghìn đồng/đôi. Chim trưởng thành giá từ 500-700 nghìn đồng/đôi. Chim cu gáy Thái Lan non giá từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng/1 đôi, tuỳ theo màu lông mơ, vân hồng hay tim trắng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Khôi thu lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn có thêm thu nhập khi bán những con chim đẹp, hót hay với giá từ 5-7 triệu đồng/con. 

Theo anh Khôi, nuôi chim cu gáy sinh sản khó nhất là lúc ghép đôi, phải chịu khó quan sát thì việc ghép đôi mới thành công. Thông thường khoảng 7 tháng tuổi chim cu gáy bắt đầu đẻ trứng, nếu được chăm sóc tốt chúng sinh sản quanh năm.

Giờ đây, anh trở thành nhà cung cấp chim giống cho những người đam mê nuôi chim cu gáy cảnh ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước.

Cũng như anh Khôi, gia đình anh Nguyễn Đình Quy, thôn Sâu, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang là một trong những hộ đã thành công khi khởi nghiệp với nghề nuôi chim cu gáy trắng, thu nhập mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đi thăm khu nuôi chim cu gáy trắng của gia đình, chị Đồng Thị Thuận - vợ anh Quy cho biết, gia đình anh chị bắt đầu nuôi chim cu gáy trắng từ năm 2018. Ban đầu, anh chị chưa có kinh nghiệm nên nuôi thử 200 đôi chim bố mẹ. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, qua một thời gian, nhận thấy nuôi chim cu gáy trắng dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là thóc và các loại hạt ngũ cốc, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao nên anh chị mở rộng quy mô chăn nuôi. 

Với bản tính cần cù, chịu khó, dày công chăm sóc, đến nay, gia đình anh chị nuôi hơn 1.200 đôi chim bố mẹ, trong đó có 1.000 đôi đang đẻ, còn lại đang chuẩn bị đẻ. Mỗi tháng có khoảng 400 - 500 đôi chim non, từ lúc đẻ trứng cho tới lúc bán ra thị trường khoảng 40 ngày. Thịt chim cu gáy trắng săn chắc, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Giá bán thời điểm hiện tại 65.000 - 90.000 đồng/đôi; thời điểm ra giêng, mùa lễ hội, các nhà hàng đông khách, giá bán có thể lên tới 120.000 đồng/đôi, trừ hết chi phí, gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Thuận chia sẻ, nuôi chim cu gáy cũng như nuôi chim bồ câu, khâu quan trọng nhất là chăm sóc và phòng trừ bệnh, cứ 3 tháng cho chim uống vắc xin phòng bệnh Newcatxon. Ngoài ra, những lúc thời tiết thay đổi đột ngột cần phải chú ý bệnh tiêu chảy, các bệnh về đường hô hấp cho chim cu gáy.

Chuồng nuôi cu gáy tuy khá đơn giản nhưng cần phải được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên để phòng tránh dịch bệnh, côn trùng cắn phá.

Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang cho biết, mô hình nuôi chim cu gáy trắng của gia đình anh Nguyễn Đình Quy, chị Đồng Thị Thuận là một trong những mô hình chăn nuôi điển hình tại xã Nghĩa Hòa, mô hình mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần ổn định cuộc sống, tiến tới làm giàu cho người dân nơi đây.

Toàn xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang hiện có 09 hộ nuôi chim cu gáy trắng với tổng đàn 4.000 đôi chim bố mẹ.

PV
Ý kiến của bạn