Na đầu vụ giá cao, hút khách
Ông Hoàng Văn Hướng, Giám đốc HTX Na dai xã Nghĩa Phương cho biết, hiện giá na đầu vụ bán tại vườn dao động từ 45 - 50 nghìn đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 5 nghìn đồng/kg. Na chín muộn giúp loại đặc sản này trở nên hút khách. Những năm trước, giữa tháng 7 là các trà na đã chín rộ. Trái lại, năm nay đến đầu tháng 8, chợ na huyện Lục Nam mới lác đác có người mang na xuống bán.
Chị Nguyễn Thị Toan, thôn Dạo Lưới, xã Đông Hưng (Lục Nam) là thương nhân chuyên thu mua na cho biết, na chín muộn lại có nhiều khách đặt trước nên chị phải đi sớm mới gom đủ hàng. Việc mua - bán diễn ra nhanh, na mang ra đến đâu, hết đến đó.
Ngoài trồng na dai, nhiều hộ còn đưa giống na Thái vào thâm canh với diện tích hơn 5 ha, đang cho thu vụ thứ hai. Anh Bùi Văn Kiên, thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương cho biết, năm 2019, anh được Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang hỗ trợ trồng 300 gốc na Thái. Dù cây mới được 3 năm tuổi nhưng quả rất sai. Mỗi quả nặng từ 0,5-0,8 kg. Đầu vụ đến nay anh bán gần 3 tạ với giá bán tại vườn từ 65-70 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi giá na dai thông thường. Dự kiến vườn na Thái cho khoảng 2,4 tấn quả.
Được biết vụ này, huyện Lục Nam tiếp tục duy trì 1.730 ha na, tập trung ở các xã: Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú, Cương Sơn… Sản lượng ước đạt hơn 14,3 nghìn tấn. Na sản xuất theo hướng VietGAP đạt 1.280 ha, tăng 80 ha so với năm 2021. Dự kiến đến hết năm 2022, toàn huyện có 165 ha na được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 3 ha sản xuất theo hướng hữu cơ (tại xã Đông Phú, Huyền Sơn và Nghĩa Phương). Đa phần na được chăm sóc theo phương pháp rải vụ.
Chú trọng sản xuất hữu cơ
Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, gia đình ông trồng na đã được hơn 20 năm nay trên tổng diện tích hơn 2.700m2 đất. Nhưng phải đến 3 năm gần đây, khi nhận thấy việc trồng na theo hướng hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao, chất lượng quả na ngày càng tốt hơn và được thị trường ưa chuộng, ông đã quyết định đầu tư chăm sóc vườn na theo hướng này.
Để chất lượng sản phẩm trái cây trồng theo hướng hữu cơ thơm ngon và giá trị cao, theo ông Dũng, điều quan trọng nhất là tất cả các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng đều phải là chế phẩm sinh học, vừa an toàn đối với người sử dụng mà lại thân thiện với môi trường.
Ưu điểm của trồng hữu cơ là chất lượng sản phẩm cao và an toàn, nhưng để làm theo đúng quy trình thì khâu chăm sóc lại mất khá nhiều công, đòi hỏi người nông dân phải thật sự tâm huyết và kiên trì mới làm được.
Khác với nhiều hộ dân thường sử dụng phân bón NPK để tiết kiệm thời gian và công chăm sóc thì ông Dũng lại sử dụng một loại hỗn hợp đặc biệt từ đỗ tương xay nhỏ kết hợp với cá ngâm ủ nhuyễn.
Sở dĩ ông sử dụng loại hỗn hợp này là vì nó có tác dụng cải tạo đất, tăng độ mùn cho đất, tăng mật độ vi sinh vật trong đất, từ đó giúp phân giải lân, kali khó tan trong đất rất tốt. Đồng thời bón loại hỗn hợp này, nhà nông không phải lo tồn dư chất hóa học trong sản phẩm sau thu hoạch, trái cây đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt.
Sản phẩm na của gia đình ông Dũng có tem truy xuất nguồn gốc và sản phẩm đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Nhờ đó, khi bán ra thị trường, quả na được rất nhiều khách hàng tin tưởng và ủng hộ. Theo ông Dũng, bí quyết để chọn na ngon là những quả có mắt to, đều, sáng trắng, khe hồng, bóc thử thấy vỏ mỏng, khi ăn có vị ngọt đậm.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nhằm giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ na thuận lợi, vụ này, huyện Lục Nam tiếp tục tổ chức quảng bá thương hiệu "Na Lục Nam" bằng nhiều hình thức như: Ban hành Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý cho quả na, có tem truy xuất nguồn gốc, mã QR coder, in túi, thùng đựng na. Giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tham gia gian hàng điện tử,...
Năm 2021, "Na dai Nghĩa Phương" được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Dự kiến tháng 10/2022, huyện đăng ký dự thi sản phẩm OCOP của tỉnh cho sản phẩm "Na dai Lục Nam" và "Na dai Đại Đồng", xã Đông Phú. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT giới thiệu, đưa nhiều đoàn doanh nghiệp đến Lục Nam khảo sát để thu mua na.
Với việc tích cực hướng dẫn người dân thay đổi cách chăm sóc cho cây và tăng cường quảng bá sản phẩm, tin rằng bà con Lục Nam tiếp tục đón mùa na ngọt.
Thực hiện: Phan Anh