Bắc Giang: Nâng cao phát triển các sản phẩm OCOP theo chiều sâu và bền vững
Có thể nói chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền nâng cao gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch ở nhiều địa phương.
Sản phẩm gắn với thương hiệu của vùng, miền
Là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP khu vực miền núi phía Bắc và cả nước, tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng nâng cao các sản phẩm gắn với thương hiệu và nhũng nét đặc sắc của cá địa phương trên toàn tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, trong quá trình phát triển Chương trình về sản phẩm OCOP, tính luỹ kế hết năm 2023, tỉnh Bắc Giang có 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch. Tỉnh có 1 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 24 sản phẩm 4 sao, 263 sản phẩm 3 sao (trong đó có 3 sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch).
Qua đánh giá, các sản phẩm đều là những sản phẩm thế mạnh, đặc sản của các địa phương, một số sản phẩm được công nhận là sản phẩm chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh. Điển hình như vải thiều Lục Ngạn, mỳ gạo Chũ, gà đồi Yên Thế; sản phẩm của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: Mỳ Chũ, rượu Vân, bún Đa Mai… Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Là cơ sở sản xuất bánh chưng Vân truyền thống đã nhiều năm nay, Chị Tạ Thị Quý- HTX nông nghiệp Hoàng Vân (Hiệp Hoà, Bắc Giang) cho biết: Thương hiệu bánh chưng Vân là đặc sản truyền thống của quê hương Hiệp Hòa, là sản phẩm không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ngoài tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, chúng tôi còn chú trọng nâng cao mẫu mã, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
"Để có chiếc bánh rền dẻo, thơm ngon, bùi ngậy, mỗi người thợ gói bánh đều phải kỹ càng trong chọn lựa gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, thịt lợn mỡ khổ, gia vị.. và đặc biệt, bánh chưng Vân được gói bằng lá chít do nhân dân tự trồng. Sau khi cắt bỏ phần ngọn và cuống, lá được rửa sạch bằng nước rồi đem luộc đến khi nước chớm sôi thì vớt ra để lá mềm và giữ nguyên mùi vị", chị Quý chia sẻ.
Theo lãnh đạo huyện Hiệp Hoà, hiện toàn huyện hiện có 28 sản phẩm sản phẩmOCOP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước, trong đó có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. các sản phẩm OCOP của huyện Hiệp Hòa đang được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng tiếp cận nhanh chóng, giảm chi phí cũng thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương, tạo tính liên kết phát triển sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành phố trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) là động lực quan trọng thúc đẩy, khai thác hiệu quả với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc trưng, phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP, theo ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang; Trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đồng thời, thực hiện đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ và các chủ thể sản xuất tham gia.
"Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND triển khai Chương trình OCOP năm 2024. Theo đó, năm 2024, UBND tỉnh dự kiến phân bổ khoảng 20,9 tỷ đồng nhằm thực hiện các nội dung Kế hoạch. Trong đó, tập trung rà soát đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng. Bắc Giang phấn đấu năm 2024 lũy kế tối thiểu có 350 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, xây dựng, phát triển ít nhất 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia", ông Luy nhấn mạnh.
Để làm được mục tiêu đề ra, cần tiếp tục, định hướng, hướng dẫn các chủ thể OCOP quan tâm, triển khai việc tạo sự khác biệt, tăng giá trị cho sản phẩm, đa dạng kích cỡ, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; đảm bảo vùng nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; bên cạnh việc phát triển sản phẩm, các chủ thể quan tâm, duy trì, chủ động cập nhật các nội dung quy định hằng năm như: Chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mã vạch, kiểm nghiệm định kỳ các chỉ tiêu an toàn thực phẩm...
Ngoài ra, định hướng cho chủ thể OCOP cần tích cực trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm như: kết nối với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, điểm dừng nghỉ, điểm du lịch… trong và ngoài tỉnh; chủ động tích cực tham gia các hội chợ OCOP, hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành trên cả nước nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, giúp chủ thể mở rộng thị trường, đảm bảo việc liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi được bền chặt, hiệu quả.
Các cấp, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm giúp các chủ thể hỗ trợ về chính sách, vốn sản xuất, kinh doanh, đầu tư khoa học công nghệ và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Hướng dẫn các chủ thể đặt tên gọi sản phẩm gắn với địa danh, địa lý, văn hóa, đặc sản, đặc trưng hoặc tên cơ sở sản xuất để người tiêu dùng dễ nhận biết trên thị trường và thuận tiện cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chất lượng, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc sản địa phương…
Hạnh HuyềnTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.