Bắc Giang: Ngăn ngừa hoạt động tín dụng đen

Địa phương
09:27 AM 19/09/2023

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 5326/UBND-NC về việc triển khai thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “Tín dụng đen”.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Kế hoạch số 2409/KH-UBND ngày 10/7/2019 về việc thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; 

Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 19/6/2023 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc; Công văn số 6579/UBND-KTTH ngày 29/12/2022 của UBND tỉnh về phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật phát sinh từ hoạt động cho vay qua APP; Công văn số 5027/UBND-NC ngày 31/8/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng.

Bắc Giang: Ngăn ngừa hoạt động tín dụng đen - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh, quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối với Công an tỉnh ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao Internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM “rác” không để các đối tượng lợi dụng hoạt động “tín dụng đen”. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc kinh doanh, mua bán, sử dụng SIM “rác”.

Tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vay tài sản, thu hồi nợ, hậu quả của “tín dụng đen” và kết quả đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân; kịp thời phát hiện, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tăng cường thời lượng phát sóng để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; hậu quả tác hại, các chế tài xử lý của pháp luật đối với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; những kết quả trong phòng, chống tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm.

Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh tăng cường công tác giám sát việc phòng, chống tội phạm; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” cho Nhân dân. Tập trung đối tượng là thanh thiếu niên, công nhân, người lao động, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân rộng mô hình công tác dạy nghề, tạo việc làm, góp phần ổn định cuộc sống, ổn định thu nhập cho hội viên, giảm nguy cơ tham gia các hoạt động tín dụng đen.

Liên đoàn Lao động tỉnh chủ động nắm chắc tình hình hoạt động “tín dụng đen” liên quan đến công nhân, người lao động; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn và hậu quả của “tín dụng đen” để công nhân, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác; lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn, hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận các nguồn vay vốn an toàn, ưu đãi.

Phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh và chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự; ngăn ngừa, giám sát, kịp thời phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng các hoạt động “tín dụng đen” có liên quan đến công nhân, người lao động để xử lý theo quy định pháp luật.

Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi liên quan đến “tín dụng đen” để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, kịp thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công an kết quả thực hiện và các vấn đề phát sinh.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Toà án Nhân dân tỉnh chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp của tỉnh trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có liên quan đến “tín dụng đen” đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Qua đó góp phần giáo dục và phòng ngừa chung.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu để Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với các thủ tục nhanh gọn và thuận tiện đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của Nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”.

UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, ban hành, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen”; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại cơ sở.

Thường xuyên nắm chắc tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn, kịp thời phát hiện các hoạt động “tín dụng đen”, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, phường, thị trấn không có hoạt động “tín dụng đen”.

Minh Anh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.