Bắc Giang: Những điều đặc biệt về Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm ấn hành, xuất bản lớn của Phật giáo Việt Nam. Kho mộc bản (ván khắc) còn lưu giữ hiện nay (được san khắc tại đây), vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán.
Chốn tổ Phật giáo
Chùa Vĩnh Nghiêm từ xa xưa có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, trong dân gian quen gọi là chùa La, hay chùa Đức La. Chùa toạ lạc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là trung tâm đào tạo tăng đồ trong suốt thời gian gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật phái Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Chùa được xây dựng từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật hoàng Trần Nhân Tông tu bổ và xây dựng thành trung tâm Phật giáo quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua hơn 700 năm lịch sử, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm.
Tọa lạc trên vùng đất thiêng, chùa Vĩnh Nghiêm nhìn ra ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hội tụ giữa sông Thương và sông Lục Nam, tựa lưng vào dãy núi Cô Tiên, bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo - đền Kiếp Bạc. Cả 3 vị Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần. Vì thế suốt nhiều thế kỷ qua, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi để phật tử hành hương về đỉnh Yên Tử.
Với bề dày lịch sử gần 800 năm, chùa Vĩnh Nghiêm có hệ thống di vật rất đa dạng như: Hệ thống tượng thờ với hơn 100 pho tượng; Hệ thống hoành phi - câu đối, kho kinh sách nhà Phật mộc bản; hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm…
Trong đó, một trong những di sản văn hóa đặc biệt quý giá mà hiếm nơi nào trên cả nước còn lưu giữ được, đó là những trang sách bằng gỗ được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho "Mộc thư khố" này được coi như là bảo vật quốc gia với nhiều giá trị tư liệu, lịch sử, nghệ thuật, văn hóa vô giá.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được trưng bày tại Lễ hội Tây Yên Tử
Các bản mộc bản được khắc chữ rất sắc nét, tinh xảo, thể hiện trình độ cao của nghệ thuật khắc chữ Việt Nam thời xưa. Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và là một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua khi bạn đến chùa.
Ngoài giá trị lịch sử và tôn giáo, kho mộc bản còn là một kho tàng văn hóa độc đáo với nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật quý giá như Thần du Tây phương ký, Tây phương mỹ nhân truyện và Yên Tử nhật trình - Thiền tông bản hạnh. Những tác phẩm này phản ánh hình ảnh sống động của đời sống văn hóa và tôn giáo của người Việt trong nhiều lĩnh vực.
Di sản văn hoá quý giá
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử. Chữ Hán và chữ Nôm (một số rất ít bằng chữ Phạn) với nhiều phong cách, lối viết khác nhau, được khắc ngược trên hai mặt của đa số tấm ván (một số tấm chỉ được khắc trên một mặt). Phần lớn là thể chữ chân dễ đọc, được khắc sâu (khoảng 1,5 mm) nên bản in ra giấy dó rất sắc nét.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ do người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt). Từ chỗ chỉ được dùng lẻ tẻ ở thời kì trước đó, chữ Nôm bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm. Họ sử dụng chữ Nôm để viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần (tiện cho việc phổ biến giáo lí nhà Phật vào dân gian), không phải dịch trực tiếp từ kinh Phật viết bằng chữ Hán hay bằng chữ Phạn, mà nó là tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ hoặc là những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam.
Các mộc bản này đều được khắc trên vật liệu là gỗ thị. Đây là loại gỗ quý với đặc tính mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ rất phù hợp với việc khắc ván in. Chữ trên các mộc bản đều được dùng bằng chữ Hán và Nôm. Chữ khắc ngược (âm bản) để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Kích thước các mộc bản không đồng đều tuỳ theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20cm.
Do đã qua nhiều lần in dập nên các ván in đều có màu đen bóng, bề mặt phủ một lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực thấm vào gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt rất hiệu quả.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là sưu tập Kinh sách được in ra từ kho mộc bản này là tư liệu thể hiện tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm. Sự ra đời của Phật phái Trúc Lâm vào thế kỉ thứ 13 là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần tự lực và tùy duyên, nghĩa là xem Phật chính là bản thân mình, tự tin vào bản thân, không tin vào các thế lực thần bí, lạc quan với cuộc sống thực, thuận theo tự nhiên.
Do đó, về tổng thể, nội dung của mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện, như: triết lí nhân sinh và giáo dục nhân cách công dân, tôn giáo tín ngưỡng, ngôn ngữ văn tự, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật.
Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều nhà nghiên cứu, các vị thiền sư Việt Nam và một số nước trên thế giới đã tìm về Vĩnh Nghiêm để xem xét, nghiên cứu, phát huy những giá trị của kho mộc bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một số vị thiền sư Việt Nam đã về chùa Vĩnh Nghiêm xin toàn bộ bản dập kho mộc bản để nghiên cứu, biên tập thành sách, giáo trình thể hiện giáo lý Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm và lấy đó làm sách giảng kinh Phật cho các tăng ni, phật tử. Nhờ vậy, tư tưởng, giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm luôn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, truyền dạy lại và ngày càng phát triển mở rộng, hoà nhịp với cuộc sống đương đại ở trong nước và thế giới.
Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc sắc, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2012.
Minh Đăng
Được sự đồng ý về chủ trương của Thành ủy, UBND TP Hà Nội và sự phối hợp các sở, ngành liên quan, Nhà hát Tuổi Trẻ chính thức dàn dựng vở nhạc kịch đặc biệt "Lửa từ Đất" ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2025, hướng tới lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025).