Bắc Giang: Nỗ lực bảo đảm việc làm cho người lao động
Người lao động (NLĐ) là nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp. Vì vậy, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do thị trường biến động, đơn hàng sụt giảm, song các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho NLĐ.
Không để NLĐ mất việc
Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, một số ngành sử dụng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như dệt may, da giày, điện tử,… gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng... Tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết quý I, thậm chí sang cả quý II/2023, ảnh hưởng tới bảo đảm việc làm cho NLĐ.
Trước khó khăn, thách thức, thay vì cắt giảm lao động, một số doanh nghiệp đã thực hiện giải pháp chia đều việc cho công nhân, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất. Đồng thời, tích cực tìm kiếm đơn hàng mới, khách hàng mới để NLĐ có việc làm, đảm bảo thu nhập. Đây cũng chính là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Trong bối cảnh chung bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may, Công ty cổ phần May VinGroup, xã Tiên Lục (Lạng Giang) vẫn cố gắng duy trì việc làm cho 500 lao động. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Điều hành công ty cho biết: "Dù giảm đơn hàng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xoay xở để duy trì việc làm ổn định cho toàn bộ lao động của công ty. May mắn là đến thời điểm này, DN không để bất cứ NLĐ nào mất việc làm. Chỉ một vài bộ phận sản xuất, công nhân tạm thời không làm việc vào ngày thứ Bảy như lúc đơn hàng dồi dào".
Ông Quang chia sẻ thêm, nếu như trước đây không nhận gia công đơn hàng nhỏ của đối tác mới thì nay DN mở rộng kênh tìm kiếm thị trường, kể cả khách hàng nội địa. DN chấp nhận đương đầu với khó khăn, áp lực khi một mặt phải bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm, một mặt sẵn sàng nhận thêm các đơn hàng không phải chủ lực, đa dạng chủng loại, điều chỉnh máy móc thiết bị đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ví như mặt hàng chủ lực trước đây là hàng dệt kim, vải bò thì nay kể cả hàng dệt thoi, quần áo thời trang vải mềm DN cũng nhận làm, miễn là có việc làm, thu nhập cho công nhân.
Nếu như nửa đầu năm 2022, Công ty TNHH Alpha Green Tech Vina, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú (Hiệp Hòa) có mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, thì nửa cuối năm, những khó khăn từ việc sụt giảm đơn hàng sản xuất linh kiện, phụ kiện của Samsung đã khiến DN bị giảm đơn hàng từ 40 - 50%. Để duy trì hoạt động ổn định, lãnh đạo DN lựa chọn giải pháp giãn việc, bố trí luân phiên để giữ chân lao động, nhất là công nhân lành nghề.
Chị Đỗ Thị Hải Yến, công nhân Công ty chia sẻ: "Thời điểm khó khăn, dù không tăng ca, thu nhập giảm đi nhưng may mắn là chúng tôi vẫn còn có việc làm".
Đồng hành cùng DN và NLĐ
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, do đơn hàng xuất khẩu giảm nên từ cuối tháng 10/2022 đến nay, đã có 12 DN, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may mặc, điện tử cắt giảm lao động và cho công nhân nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm. Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập khoảng 3,5 nghìn người.
Dự báo khó khăn sẽ còn tiếp diễn và có thêm khoảng 3,8 nghìn lao động mất việc hoặc phải giảm giờ làm trong các tháng tới. Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, ghi nhận tại hầu hết các đơn vị gặp khó khăn, lãnh đạo DN đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới, chấp nhận thực hiện những đơn hàng lợi nhuận thấp, thậm chí hoà vốn để có việc làm cho công nhân.
Nhằm hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ngày 3/2, LĐLĐ tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện Quyết định 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/1 của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo đó, đoàn viên công đoàn bị giảm giờ làm, ngừng việc sẽ được hỗ trợ một lần, mức từ 1 - 3 triệu đồng. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 31/3. "Đây là gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ bằng nguồn chi từ quỹ công đoàn. Liên đoàn đang tập trung hướng dẫn, đôn đốc công đoàn các cấp thống kê chính xác số lao động bị giãn việc, mất việc để hỗ trợ kịp thời, bảm bảo đúng đối tượng. Với phương châm là xác nhận đến đâu sẽ chi ngay tiền hỗ trợ đến đó, công đoàn mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với công nhân trong giai đoạn này", ông Cảnh nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Minh Phương, Giám đốc Quan hệ lao động và Phát triển bền vững Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu) cho rằng, lúc này, DN rất cần sự tiếp sức của nhà nước với các chính sách hỗ trợ như: Chỉ đạo các ngân hàng cho giãn nợ; cho chậm đóng quỹ BHXH tạm thời để lấy số tiền đó ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ...
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Trên cơ sở bám sát tình hình, đối thoại với DN, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập các tổ hỗ trợ theo từng nhóm nguyên nhân khó khăn về nhập khẩu, vận chuyển nguyên vật liệu, tuyển dụng nhân lực... Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Các KCN tỉnh, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động của DN; yêu cầu DN quan tâm thực hiện đúng, đủ chế độ chính sách cho công nhân, giúp họ yên tâm gắn bó trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đổi mới hình thức hỗ trợ tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm, ổn định thị trường lao động".
Nhiều dự báo cho thấy, trong thời gian tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tạo ra những thách thức lớn với nền kinh tế và thị trường lao động. Do đó, trong lúc này, doanh nghiệp cần thực hiện các chính sách giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, ổn định thị trường lao động, duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh để sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.
Lê MạnhTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.