Bắc Giang: Nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới
Nhờ sự quyết liệt trong công tác xây dựng nông thôn mới của các cấp chính quyền và nhân dân, diện mạo nông thôn mới ở Bắc Giang hôm nay đã có nhiều thay đổi: hệ thống đường giao thông được bê tông hóa giúp cho việc đi lại và vận chuyển thuận tiện hơn, môi trường được bảo đảm, cùng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.
Những kết quả tích cực
Đến hết năm 2022, tỉnh Bắc Giang có 145/182 xã đạt chuẩn, chiếm 79,7%, trong đó có 41 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; có 239 thôn NTM kiểu mẫu. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 17,1 tiêu chí/xã.
Hiện nay, trên địa bàn xuất hiện những mô hình sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa tập trung; giá trị sản xuất đạt 135 triệu đồng/ha; toàn tỉnh có 55 vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, toàn tỉnh đã bố trí 1.397 điểm tập kết rác thải, 163 trong số 184 xã được đầu tư các khu xử lý quy mô, huyện, xã và cụm. Một số huyện như Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa và thành phố Bắc Giang đã phát động và xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, tái chế rác thải làm phân hữu cơ, tái chế rác thải thành xe đạp, làn, xô…hỗ trợ học sinh, hội viên phụ nữ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, chương trình xây dựng NTM tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện từ tỉnh tới cơ sở; nội dung xây dựng NTM đã được cụ thể hóa thành chỉ tiêu phấn đấu trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ, kế hoạch của UBND các cấp giai đoạn 2021-2025; công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tiếp tục được thực hiện thường xuyên hơn tại các xã giao đạt chuẩn NTM, nâng cao và kiểu mẫu.
Năm 2022 là năm đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025. Tuy nhiên, trong khi chờ các bộ, ngành Trung ương ban hành hướng dẫn; Sở NN& PTNT và các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí và văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí để các địa phương chủ động rà soát, thực hiện.
Sự vào cuộc quyết liệt
Những thành tựu đạt được là nhờ sự vào cuộc, nỗ lực phấn đấu từ các cấp chính quyền cũng như các huyện trong việc đạt các chỉ tiêu trong năm 2022. Cụ thể, các địa phương đã tập trung xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình; chỉ đạo các xã rà soát đánh giá hiện trạng theo Bộ tiêu chí; phân bổ nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, tỉnh giao...
Bên cạnh đó, các huyện cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ các xã thực hiện năm 2022 như: Huyện Lục Nam hỗ trợ 2,5-3 tỷ đồng/xã NTM, 2 tỷ đồng/xã nâng cao; huyện Lục Ngạn hỗ trợ 2,5-3 tỷ/xã NTM, 2 tỷ đồng/xã nâng cao; huyện Lạng Giang, Yên Dũng hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã nâng cao; Hiệp Hòa hỗ trợ 4- 5 tỷ đồng/xã nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số xã trên địa bàn tỉnh chưa làm tốt việc rà soát thực trạng tiến độ đạt các tiêu chí, chỉ tiêu NTM dẫn đến việc thay đổi danh mục công trình kéo dài thời gian phân vốn của các huyện, thành phố.
Một số địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao song không rà soát, triển khai các quy định của xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; việc giữ vững các tiêu chí mềm còn hạn chế (tiêu chí văn hóa, tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh...).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết: "Xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ thường xuyên và của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, hiện nay tỉnh Bắc Giang đang xây dựng NTM qua việc đi bằng "hai chân". Nghĩa là địa phương nào chưa về đích sẽ phấn đấu về đích trong thời gian sớm nhất, địa phương nào đã về đích sẽ chuyển sang làm NTM nâng cao, kiểu mẫu".
Ðể thực hiện được điều này, thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, duy tu, nâng cấp công trình đã đầu tư; có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Ðẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững theo chiều sâu. Trên cơ sở đó sẽ triển khai các cơ chế chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích tụ ruộng đất hình thành vùng sản xuất tập trung; thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Lê Mạnh“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.