Bắc Giang - Tiềm năng phát triển du lịch
Bắc Giang được biết đến là vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo được ghi danh, công nhận cấp quốc gia, quốc tế. Chính vì vậy, thời gian qua các địa phương trong tỉnh Bắc Giang, doanh nghiệp (DN) đã và đang tập trung đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch văn hóa gắn với sinh thái.
Bắc Giang có hệ thống đình, chùa, đền, miếu, lăng, tẩm… phong phú và đa dạng với 2.237 di tích lịch sử, văn hóa trải khắp toàn tỉnh, trong đó 711 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Hiện nay, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật, trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...). Chính vì vậy năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về di sản văn hóa phi vật thể: Dân ca quan họ, ca trù, dân ca Cao Lan, dân ca Sán Chí… là những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó có 4 di sản được UNESCO vinh danh như: Dân ca quan họ là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại; ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Bắc Giang cùng với một số địa phương đã được UNESCO công nhận "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt", "Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với đó các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Thổ Hà, lễ hội Bổ Đà, lễ hội suối Mỡ, lễ hội Yên Thế, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội Xuân Tây Yên Tử được tổ chức hàng năm là điểm nhấn quan trọng để Bắc Giang thu hút du khách. Đây được xem là là những nguồn tài nguyên quý giá để Bắc Giang đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới.
Bắc Giang cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay với các ngành nghề đa dạng và phong phú như nấu rượu làng Vân, Mây tre đan xã Tăng Tiến, làng bánh đa, kẹo lạc Thổ Hà (huyện Việt Yên); gốm làng Ngòi (huyện Yên Dũng); làng mỳ Chũ (huyện Lục Ngạn); làng bánh đa Kế, làng bún Đa Mai (TP Bắc Giang)… Cùng với đó, Bắc Giang được biết đến với nhiều đặc sản nổi tiếng như vải thiều, cam, bưởi huyện Lục Ngạn, chè bản Ven, gà đồi Yên Thế, sâm nam Núi Dành (Tân Yên)...
Văn hóa đa dạng, giàu bản sắc với những phiên chợ vùng cao (chợ Tân Sơn, huyện Lục Ngạn; chợ Tuấn Đạo, Dương Hưu huyện Sơn Động); Kiến trúc nhà đặc trưng của các dân tộc hay kiến trúc nhà cổ còn được bảo tồn tại làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên); trang phục truyền thống; tập quán, các nét sinh hoạt hàng ngày... đều là những tiềm năng thu hút đông đảo du khách đến với Bắc Giang.
Mặt khác, địa hình Bắc Giang phong phú, đa dạng; có nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn có thể khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Bản Ven, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ… Đặc biệt, huyện Lục Ngạn được biết đến là một trong những vùng cây ăn quả lớn miền Bắc với diện tích trên 28.000ha cây ăn quả các loại.
Đến với Bắc Giang, du khách được thỏa sức chiêm ngưỡng cảnh sắc nên thơ, tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đắm chìm trong không gian văn hóa truyền thống, tìm hiểu các di tích lịch sử, thưởng thức ẩm thực độc đáo của mảnh đất Bắc Giang.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống giao thông thủy, bộ; gắn kết với các danh thắng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc tạo thành hệ thống tuyến điểm du lịch.
Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thương mại, du lịch theo hướng chú trọng phát triển các mô hình làng nghề, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các mô hình liên kết du lịch nội, ngoại tỉnh; tạo ra các sản phẩm thương mại, du lịch phù hợp, đặc trưng của tỉnh hướng tới xuất khẩu và phát triển sản phẩm du lịch một cách bền vững.
Lê MạnhTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.