Bắc Giang: Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trong quý III/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đạt hơn 14,5%, đứng đầu cả nước. Bắc Giang nổi lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và đứng trong top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI sau Long An, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Hải Phòng...
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, với quan điểm chuyển hoạt động thu hút đầu tư từ thế bị động sang chủ động, đảm bảo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thu hút dự án đầu tư có chọn lọc, chú trọng đối với các dự án có công nghệ tiên tiến, quy mô lớn, có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án có đóng góp lớn cho ngân sách, các dự án an sinh xã hội; dự án có tính lan tỏa cao trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo; kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Theo đó, định hướng của Đề án là phát triển toàn diện các ngành kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy. Phát triển đồng bộ và hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường; đồng bộ và hài hòa giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Khuyến khích hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh; từng bước nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 15 - 16%/năm (trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 14-15%/năm); thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 5.500 - 6.000 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2025 khu vực công nghiệp, dịch vụ chiếm khoảng 89%, đến năm 2030 chiếm khoảng 90 - 92%.
Cụ thể, đóng góp của các dự án đầu tư vào GRDP của tỉnh đạt từ 60 - 62% vào năm 2025 và đạt 66 - 68% vào năm 2030. Tổng vốn đầu tư của các dự án (vốn thực hiện) giai đoạn 2021-2025 đạt 246.000 tỷ đồng, chiếm 45 - 46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giai đoạn 2026-2030 đạt 613.000 tỷ đồng, chiếm 47 - 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Thu ngân sách của các dự án tăng bình quân 17%/năm, đến năm 2025 đạt 5.750 tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng thu ngân sách trên địa bàn; năm 2030 đạt 12.600 tỷ đồng, chiếm 57,2% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Năng suất lao động của các dự án đầu tư tăng bình quân 9%/năm, đến năm 2025 đạt 456 triệu đồng/lao động, đến năm 2030 đạt 700 triệu đồng/lao động. Hiệu suất sử dụng đất của các dự án đầu tư tăng bình quân 6%/năm, đạt 0,8 tỷ đồng/ha vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 1,1 tỷ đồng/ha.
100% các dự án đầu tư đều hoàn thành các thủ tục về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Đến năm 2025 có 45% các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến; đến năm 2030 là 55 - 60%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đến năm 2030 bao gồm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư và thu hút chọn lọc các dự án đầu tư; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp an toàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19; tăng cường công tác phổ biến, thông tin tuyên truyền.
Lê ThắngMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.