Bắc Giang: Ước mơ của những người công nhân xa quê
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hơn 300 nghìn CNLĐ đang sinh sống và làm việc. Có thể thấy, việc đẩy mạnh xây dựng các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân các khu công nghiệp là vấn đề vô cùng cấp thiết, vì đây là chìa khóa quyết định đến vấn đề việc làm, năng suất lao động.
An cư lạc nghiệp
Rời quê hương xuống Bắc Giang lập nghiệp nhưng sau 10 năm làm việc, chị Lù Thị Sơ, quê Yên Bái (công nhân Công Ty TNHH Hồng Hải Việt Nam) vẫn chưa có một nơi ở ổn định. Chị Sơ tâm sự: "Làm việc tại Bắc Giang đã lâu nhưng vợ chồng tôi chỉ mới tích cóp được chút ít vốn. Chúng tôi cố gắng làm thêm vài năm, khi có điều kiện sẽ về mua đất, xây nhà và làm việc tại quê để các con có chỗ ở, chỗ chơi rộng rãi chứ thuê phòng trọ chật chội, thiệt thòi cho các con, còn mua nhà ở thì vẫn chưa có điều kiện".
Cùng chung sự vất vả, anh Đỗ Văn Tuấn, đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) cho biết, hơn 10 năm làm việc tại khu công nghiệp, anh luôn mong ước mua được một căn nhà giá rẻ xây cho công nhân để sớm được an cư, tuy nhiên với mức lương 8 triệu đồng/tháng, việc mua nhà của anh hiện chưa thể thực hiện dù đã cố gắng tiết kiệm nhiều năm.
Theo chị Thân Thị Dung, một chủ nhà trọ thuộc thôn Giá, xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng, Bắc Giang): Mỗi phòng trọ chúng tôi cho thuê với mức giá từ 1,2- 1,5 triệu đồng với diện tích tầm 15m2. Tính ra, nếu cả điện nước, mỗi phòng trọ các cháu mất chi phí khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Với ngần ấy chi phí, những tưởng ước mơ của chị Sơ, a Tuấn và rất nhiều CNLĐ xa quê khác đang sinh sống và làm việc tại Bắc Giang khó thành hiện thực khi mà nhu cầu nhà ở ngày càng tăng lên, trong khi với những đồng lương háng, họ phải tằn tiện chi tiêu, chăm lo cho con cái học hành và hầu như không có tích luỹ. Nhưng vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Tạo cơ hội để NLĐ tiếp cận được nhà ở xã hội
Số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, hiện cả nước đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2, chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.
Theo Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa, với mức lương như hiện nay (trung bình 6 - 9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội (NƠXH), phải trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp, nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt. Ngoài ra, do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều KCN, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí..
Để những dự án nhà ở xã hội sớm đến với CNLĐ, theo nhiều chuyên gia UBND có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải quy hoạch, xác định rõ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn cấp tỉnh và cấp huyện; đảm bảo quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương từng thời kỳ; coi chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của địa phương.
Các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Về tín dụng phát triển nhà ở xã hội, xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương.
Trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
Có thể thấy, thời gian quan Chính phủ và nhiều địa phương rất quan tâm tới đời sống NLĐ, đặc biệt là nhà ở xã hội cho NLĐ tại các khu công nghiệp. Với những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn. Từ những chủ trương, chính sách cụ thể trên hy vọng trong thời gian tới nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai, nhiều căn nhà được bàn giao, giúp hiện thực hóa ước mơ an cư cho người lao động.
Trương HưngTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.