Bắc Giang: Xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030

Địa phương
09:05 AM 29/07/2023

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030

Theo Kế hoạch, giai đoạn 2023-2025, nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế sản xuất và xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản của tỉnh.

Giai đoạn 2026-2030, phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản chế biến sâu; ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bắc Giang: Xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030 - Ảnh 1.

Xuất, nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa. Đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Duy trì phát huy các thị trường đã có như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, Đông Âu. Đồng thời, hướng tới những thị trường mới như Mỹ, Nam Mỹ, châu phi… Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…

Để kế hoạch thực hiện tốt, Sở Nông nghiệp và PTNT đưa ra các giải pháp thực hiện như phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho sản xuất. Trong đó, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. 

Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng lợi thế. Thu hút các doanh nghiệp, HTX, trang trại có sự hợp tác, đầu tư vào nông nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 2-3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao năm 2030 đối với nông nghiệp chiếm trên 80%; lâm nghiệp và thủy sản chiếm trên 10%; tỷ lệ trồng trọt hữu cơ chiếm trên 20%; chăn nuôi trang trại, khu chăn nuôi tập trung chiếm 80%.

Thu hút, khuyến khích phát triển nông nghiệp bảo quản, chế biến sâu, chế biến công nghệ cao theo định hướng quy hoạch kết hợp với các biện pháp tổ chức tiêu thụ. Đến 2030, ưu tiên thu hút dự án sản xuất, chế biến rau xuất khẩu ở các huyện Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang và Hiệu Hòa; chế biến quả xuất khẩu ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam; chế biến gỗ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; các dự án giết mổ gia súc, gia cầm tại huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, thành phố Bắc Giang…Tăng cường liên kết chia sẻ thông tin với các địa phương trong cả nước về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch và tình hình xuất khẩu để hợp tác phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn; Hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và nâng cao nhận thức về ưu đãi và rào cản từ các Hiệp định thương mại tự do FTA. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lợi thế của tỉnh cho phát triển xuất khẩu. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lãnh mạnh, hợp lý.

Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ; tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi trong chuỗi sản xuất nhất là công nghệ, quy trình sản xuất và sơ chế, bảo quản; tăng cường quản lý công tác chất lượng nông sản, tạo ra các sản phẩm nông sản xuất khẩu chất lượng cao.

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng nông sản…

Minh Anh
Ý kiến của bạn