Bác Hồ trong trái tim đồng bào miền Tây xứ Thanh

Địa phương
11:42 AM 19/05/2025

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu nặng cho Thanh Hóa. 4 lần về thăm Thanh Hóa, Người ân đều ân cần thăm hỏi, động viên và khuyên bảo việc tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo đời sống nhân dân, đoàn kết nội bộ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Bác luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào các dân tộc vùng miền núi. Bác đã từng căn dặn: “Thượng du thắng là Thanh Hóa thắng”.

Khắc ghi lời Bác dạy, người dân miền Tây xứ Thanh đã nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.

Bác Hồ trong trái tim đồng bào miền Tây xứ Thanh- Ảnh 1.

Hình ảnh tư liệu lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa.

Miền Tây Thanh Hóa gồm 11 huyện. Nơi đây là quần cư sinh sống suốt bao đời của các dân tộc anh em, như: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú… Trong lần về thăm đầu tiên vào ngày 20/2/1947 người đã dự định lên thăm đồng bào vùng thượng du, nhưng chưa thể thực hiện được. Bởi vậy, Bác đã viết một lá thư, gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa, với những lời lẽ trìu mến, yêu thương: "Cùng đồng bào yêu quý! Tôi định đến thăm Thanh Hóa, tôi định lên thăm đồng bào, nhưng có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Tôi lấy làm tiếc. Lần sau có dịp tôi sẽ lên thăm đồng bào. Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết gặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc…".

Nguyện khắc ghi lời dạy của Người, bà con các dân tộc miền Tây xứ Thanh luôn đoàn kết, nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", đồng bào miền Tây xứ Thanh đã hăng hái xung phong ra trận, tích cực trong lao động sản xuất, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc thù. 78 năm qua, lời nhắn gửi trong lá thư của Người đã trở thành động lực to lớn, để đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Thanh nỗ lực phấn đấu, cùng dân tộc đi qua 2 cuộc kháng chiến trường chinh bảo vệ nền độc lập và bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Đáp lại tình cảm sâu nặng của Bác, đồng bào các dân tộc vùng Tây Thanh Hóa luôn ra sức, tự cường trong kháng chiến cũng như trong xây dựng, phát triển kinh tế. Nhiều phong trào thi đua làm theo lời Bác đã được phát động sâu rộng tới mọi tầng lớp Nhân dân.

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi xứ Thanh đã có bước phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2014-2019 đạt 8,7%. Đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào các DTTS được cải thiện rõ rệt. Người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước.

Đáng chú ý, tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi luôn cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tinh, trong đó có 7 huyện nghèo cao gấp 2,1 lần bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,3% /năm (theo tiêu chí nghèo đa chiều). Đến nay, có huyện Như Xuân thoát khỏi diện nghèo theo Nghị quyết 30A của Chính phủ: có 5% số xã đặc biệt khó khăn và 65% thôn, bản ĐBKK giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí quy định.

Tuy nhiên, từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương sáng điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới. Nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em DTTS đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tiêu biểu là huyện miền Tây xứ Thanh - huyện Bá Thước là mãnh đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây, có 3 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 85%. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước đã có nhiều người con của Bá Thước nằm lại trên các chiến trường. Toàn huyện có 1.003 liệt sĩ, 81 mẹ Việt Nam anh hùng, 3 anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, 345 thương binh; 135 bệnh binh; gần 5.000 người tham gia kháng chiến được Nhà nước khen thưởng và nhiều người là bộ đội, công nhân quốc phong, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu và phục vụ chiến trường…

Bác Hồ trong trái tim đồng bào miền Tây xứ Thanh- Ảnh 2.

Hình ảnh tư liệu Bác Hồ về thăm Thanh Hóa.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bá Thước đã nỗ lực học và làm theo lời Bác. Trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trong huyện đều phát động phong trào thi đua cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đấy quê hương.

Tiêu biểu như ông Hà Văn Dũng (dân tộc Mường) thôn Ấm, xã Lương Nội, đã phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện, mô hình kinh tế tổng hợp mỗi năm mang lại lợi nhuận cho gia đình ông Dũng khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng và hơn 30 lao động thời vụ…

Cùng với huyện Bá Thước, các huyện miền núi trong tỉnh, đồng bào các dân tộc đã nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Kinh tế - xã hội các huyện miền núi Thanh Hóa đã có bước phát triển khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 6%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo cả khu vực 11 huyện miền núi giảm còn 6,3%; diện mạo quê hương từng bước đổi thay, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc các huyện miền Tây xứ Thanh từng bước được nâng lên, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đây chính là "món quà" quý mà đồng bào các huyện miền núi kính dâng lên Bác muôn vàn kính yêu.

Đồng bào vùng DTTS và miền núi Thanh Hóa luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: "Thượng du thắng là Thanh Hóa thắng". Thắng ở đây có nghĩa không chỉ là thắng giặc ngoại xâm lúc bấy giờ, mà còn phải thắng toàn diện trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Mỗi người, dù ở miền núi hay miền xuôi, dù là nông dân, công nhân hay trí thức, đều chọn cho mình một cách riêng để học tập và làm theo Bác Hồ, với tinh thần chung là hết long vì nhân dân, vì quê hương, đất nước.


Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Đề xuất giữ cơ chế đặc thù cho 6 tỉnh, thành sau sáp nhập Đề xuất giữ cơ chế đặc thù cho 6 tỉnh, thành sau sáp nhập

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập gồm TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.