Bắc Kạn phát triển thương hiệu miến dong Na Rì
Na Rì là huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn. Vốn có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng phù hợp cây dong riềng, những năm qua, nhân dân trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh phát triển cây trồng này để sản xuất miến dong. Với mục tiêu tăng giá trị sản phẩm, đồng thời phát triển thương hiệu miến dong Na Rì, UBND huyện Na Rì đã xây dựng kế hoạch phát triển, chế biến miến dong trên địa bàn huyện từ nay đến năm 2025.
Cây dong riềng là cây trồng bản địa, được người dân trên địa bàn huyện Na Rì trồng để chế biến ra sản phẩm miến dong. Diện tích trồng cây dong riềng tăng nhanh qua từng năm, tập trung ở các xã như Côn Minh, Quang Phong, Trần Phú, Cư Lễ... Đó là điều kiện lý tưởng để phát triển cây dong riềng thành sản phẩm chất lượng cao, mang lại hiệu quả sản xuất cho nhân dân.
Theo đó, mục tiêu của huyện Na Rì đến năm 2025 tổng diến tích trồng cây dong riềng sẽ đạt từ 300 – 340 ha, sản lượng đạt 23.339 – 26.552 tấn. Toàn bộ củ tươi chế biến thành tinh bột sẽ đạt 3.737 – 4.249 tấn, sản lượng miến dong thành phẩm là 2.125 tấn. Diện tích đạt tiêu chuẩn về ATTP là 340 ha, có nhãn mác bao bì sản phẩm miến dong, trong đó diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ là 100 ha và truy xuất được nguồn gốc.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để Na Rì xây dựng thương hiệu miến dong là xây dựng vùng nguyên liệu và cải tiến công nghệ chế biến. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm miến dong của Bắc Kạn tiêu thụ tốt trên thị trường. Hơn nữa, việc công bố nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn đã khẳng định chất lượng, uy tín sản phẩm, tạo điểm nhấn hướng tới xây dựng và nâng cao thương hiệu miến dong Na Rì.
Trao đổi với P.V, ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì, nhấn mạnh "Nông lâm nghiệp là thế mạnh của huyện. Theo đó huyện tập trung phát triển sản xuất miến dong để trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện. Chúng tôi khuyến khích các đơn vị sản xuất ứng dựng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chế biến miến dong thành các sản phẩm chất lượng cao như miến dong ăn liền. Thêm vào đó, huyện tập trung thực hiện các qui trình kỹ thuật về sản xuất hữu cơ trong trồng trọt. Phấn đấu đến năm 2025 có 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ, duy trì và phát triển các sản phẩm miến dong đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP".
Hiện nay, trên địa bàn huyện Na Rì có 127 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 12 cơ sở chế biến tinh bột và sản xuất miến dong, 110 cơ sở chuyên sản xuất miến. Huyện có 4 cơ sở chế biến đạt công suất trên 80 tấn/năm, còn lại 123 cơ sở chế biến miến đạt dưới 50 tấn miến dong/năm, sản lượng tinh bột hàng năm đạt khoảng 2.500 tấn (tương đương mức sản xuất được 1.250 tấn miến).
Hàng năm, UBND huyện Na Rì đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của địa phương. Từ đó kết nối các nhà phân phối có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dong riềng trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ miến dong, nhằm nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hoan, Chủ nhiệm Hợp tác xã Miến dong Tài Hoan ở thôn Chè Cọ (xã Côn Minh, Na Rì), cho biết "Để tăng giá trị và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm miến dong cung cấp ra thị trường, cuối năm 2020, HTX chúng tôi đã đầu tư một nhà xưởng khép kín với dây chuyền, thiết bị hiện đại để chế biến miến dong. Trung bình một năm chúng tôi chế biến được khoảng 200 tấn miến dong, doanh thủ trên 10 tỷ đồng, đảm bảo công việc cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng một người/tháng. Hiện sản phẩm miến dong Tài Hoan của chúng tôi đã được xuất khẩu đi một số nước Châu Âu".
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.