Bạc Liêu: Ổn định thị trường hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Địa phương
04:02 PM 17/07/2021

Để đảm bảo bình ổn thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo nguồn hàng hóa không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác kiểm tra xử lý.

Những ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương miền Tây đã thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thực hiện giãn cách trong thời gian dài, một bộ phận người dân có tâm lý lo lắng nên đã mua và tích trữ lượng lớn hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu. Điều đó tạo điều kiện cho tiểu thương lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, nhất là ở một số chợ truyền thống.

Theo đó, để đảm bảo bình ổn thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo nguồn hàng hóa không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khi các tỉnh, thành ĐBSCL áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 giãn cách xã hội. UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tăng cường công tác kiểm tra xử lý.

Bạc Liêu: Đảm bảo thị trường hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc kinh doanh tại cửa hàng thuốc.

Ghi nhận của phóng viên, những ngày vừa qua, nhất là từ khi dịch COVID-19 có nhiều chiều hướng diễn biến phức tạp và TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì cũng là lúc giá cả một số mặt hàng rau, củ, quả… tại các chợ truyền thống của tỉnh Bạc Liêu nhích dần lên, có những loại tăng giá từ 30 - 40% so với trước đó.

Đoàn kiểm tra liên ngành, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu qua kiểm tra thực tế cho thấy, nếu như ở các chợ truyền thống, hộ tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, có lúc lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá đối với một số mặt hàng thì tại các cơ sở kinh doanh cố định, giá cả vẫn ổn định nhất là các mặt hàng thiết yếu. Cụ thể, tại các cơ sở kinh doanh gạo, nguồn cung ứng vẫn dồi dào, giá vẫn ổn định, hầu như không tăng đáng kể so với trước khi xảy ra dịch bệnh.

Bạc Liêu: Đảm bảo thị trường hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

Bạc Liêu: Đảm bảo thị trường hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh 3.

Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra các mặt hàng gạo tại các cửa hàng trên địa bàn TP Bạc Liêu.

Theo ông Dương Văn Hía - Chủ cơ sở kinh doanh gạo ở khóm 3, phường 5, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết, trong những ngày qua, giá gạo các loại ở cửa hàng của ông cũng không tăng giá so với trước, cho dù giá cước vận tải có nhích lên do lưu thông vận chuyển hàng hóa bị một số trở ngại nhất định, từ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, so với một số mặt hàng thiết yếu khác, thì từ đầu tháng 7 đến nay, giá gas cũng đã tăng dần, theo đó là giá xăng dầu cũng tăng hơn so với trước. Cụ thể, từ ngày 1/7, giá gas các loại bán tại các cửa hàng, cơ sở phân phối trên địa bàn tỉnh đã tăng bình quân 30.000 đồng/mỗi bình so với trước. Theo ông Hứa Vi Nhơn - Chủ cơ sở kinh doanh gas, phường 3, TP Bạc Liêu cho biết, việc tăng giá này là bình thường, không có gì đột biến, bởi giá gas tăng là do quyết định từ đơn vị đầu mối cung ứng nên chủ cơ sở phân phối cũng đành chấp nhận.

Theo ông Nguyễn Minh Trung - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu cho rằng, những ngày gần đây qua kiểm tra rà soát thị trường trên địa bàn tỉnh cho thấy, tuy có tình trạng tăng biến động giá cục bộ tại một số chợ truyền thống, nhưng không đáng kể. Tại các đơn vị đầu mối cung ứng hàng hóa như siêu thị, cửa hàng bách hóa giá cả vẫn ổn định, hàng dự trữ nguồn cung ứng dồi dào, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân. Điển hình như tại siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, hay các cửa hàng Bách hóa xanh nguồn hàng cung ứng luôn đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân và giả cả vẫn ổn định.

Bạc Liêu: Đảm bảo thị trường hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh 4.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu kiểm tra hàng hóa và niêm yết giá của cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu tại siêu thị.

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tình hình vận chuyển, lưu thông cung ứng hàng hóa sẽ có những hạn chế nhất định, do một số tỉnh, thành phố thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, không loại trừ việc một số tiểu thương lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gây nhiễu loạn thị trường, bất lợi cho người tiêu dùng.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh cùng Đoàn công tác liên ngành của Ban chỉ đạo 389 tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời xử lý các hành vi trên. Nhằm góp phần để chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn luôn ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.