Bạc Liêu sẽ tập trung đầu tư các dự án điện gió ven biển
Bạc Liêu đang định hướng trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực được xác định như các dự án điện gió ven biển. Từ đó, đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia.
Từ năm 2019 đến ngày 15/10/2020, đã có 10 dự án nhà máy điện gió được khởi công trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, với tổng công suất 562MW và tổng vốn đăng ký đầu tư là gần 1 tỷ USD. Cùng với hơn 27 dự án điện gió khác, với tổng công suất hơn 5.000MW đang trình bổ sung quy hoạch điện VIII của quốc gia.
Bạc Liêu đặc mục tiêu tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 9.780MW, trong đó điện gió 5.000MW, điện mặt trời 1.550 MW, điện khí 3.200MW, điện sinh khối 30MW, sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 31 tỷ kWh. Trong đó điện mặt trời đạt khoảng 1 tỷ kWh.
Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đảm bảo đúng tiến độ theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện vào vận hành năm 2024, hoàn thành đi công suất năm 2027).
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thi công 9 dự án điện gió với tổng công suất 562 MW, đang kiến nghị xin bổ sung thêm 2 dự án điện gió với tổng công suất 200 MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Còn lại đề nghị đưa vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 9.140,6 MW để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, bám sát và nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi. Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng phát triển khu, cụm công nghiệp để giải quyết việc làm, các nhà máy chế biến nông, thủy sản xuất khẩu theo hướng chế biến tinh sâu, tạo giá trị gia tăng cao; xây dựng các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao, có quy mô lớn...
Nhã MiViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.