Bắc Mê: Huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững

Địa phương
01:56 PM 11/10/2024

Trong những năm qua, cùng với thực hiện lồng ghép đầu tư sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững.

Bắc Mê là huyện nghèo 30a, gồm 18 dân tộc cùng chung sống. Huyện có 12 xã, 1 thị trấn, trong đó có đến 10 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn. Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đầu năm 2022, toàn huyện có 5.107 hộ nghèo, chiếm 46,83% tổng số hộ và 2.086 hộ cận nghèo, chiếm 18,49%.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Bắc Mê đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo… Hàng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp và chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả.

Bắc Mê: Huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững- Ảnh 1.

Nằm ở phía Đông Hà Giang, Bắc Mê mang một màu sắc hoàn toàn khác của vùng đất được mệnh danh là “thiên đường xám” cao nguyên Đồng Văn

Khơi dậy ý chí tự lực tự cường và nội lực trong nhân dân để thoát nghèo bền vững

Ở những vùng lõi nghèo như huyện Bắc Mê, người dân vẫn còn tồn tại suy nghĩ chỉ cần đủ ăn là được. Để thực hiện mục tiêu thoát nghèo, huyện Bắc Mê cần thay đổi nhận thức của người dân. Vì vậy việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung ngày càng phong phú, nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.

Bên cạnh đó, để có các biện pháp hỗ trợ giúp đỡ hiệu quả thiết thực, UBND huyện còn đi sâu vào tìm hiểu rõ nguyên nhân nghèo, từ đó đề cao vai trò của người dân, đặc biệt là bản thân người nghèo là nhân tố quyết định đến sự bền vững của chương trình giảm nghèo; khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính người nghèo, kết hợp với hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Kịp thời giới thiệu, biểu dương các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững để nhân rộng.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Mê thực hiện 7 dự án thành phần (7 tiểu dự án liên quan) bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Bắc Mê: Huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững- Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Bắc Mê kiểm tra Dự án nuôi bò liên kết tại thôn Cụm Nhùng, xã Phiêng Luông. Ảnh: Báo Hà Giang

Trong đó, huyện Bắc Mê đã ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân qua các công việc cụ thể: Triển khai các mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện theo các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư) phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.

Một trong những mô hình liên kết tiêu biểu ở huyện Bắc Mê là Hợp tác xã dược liệu Phiêng Luông cùng một công ty về dược liệu, Trung tâm Bảo tồn và phát triển cây thuốc Việt Nam, Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế đã vận động người dân xã Phiêng Luông chuyển đổi từ đất trồng ngô không hiệu quả sang trồng ý dĩ.

Huyện Bắc Mê còn thu hút được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị hàng hóa như mô hình trồng chuối tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định của Công ty cổ phần Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang; mô hình nuôi cá chiên, cá lăng của Hợp tác xã Thượng Tân, thị trấn Yên Phú; mô hình trồng dâu nuôi tằm của Hợp tác xã Thiên Ân, xã Yên Cường… Những mô hình phát triển kinh tế hàng hoá này đã giúp người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo nâng cao nhận thức, có ý chí vươn lên. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm bình quân 2,22%/năm.

Bắc Mê: Huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững- Ảnh 3.

Liên kết trồng chuối phục vụ xuất khẩu là một trong những hướng làm kinh tế hiệu quả ở Bắc Mê. Ảnh: Internet

Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, địa phương đã huy động mọi nguồn lực đầu tư, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về các chỉ tiêu thiếu hụt như nhà ở, thông tin… Cùng với đó, thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như hỗ trợ Bảo hiểm y tế; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo; hỗ trợ giáo dục; ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ phát triển sản xuất…

Để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện còn đã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các tổ chức, đoàn thể nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện công tác giảm nghèo.

Là hộ mới thoát nghèo, anh Hoàng Văn Thoang, thôn Tạm Mò, xã Yên Định chia sẻ: "Hiện nay cuộc sống của bà con nhân dân đã có nhiều đổi thay so với trước, được Nhà nước quan tâm làm đường đi lại thuận tiện để phát triển kinh tế, con cái được đi học gần nhà. Chúng tôi cũng mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm để nhân dân có cuộc sống phát triển hơn nữa".

Hướng đến giảm tỷ lệ hộ nghèo 6%/năm

Để hướng tới mục tiêu thoát khỏi tình trạng huyện nghèo vào năm 2030, huyện Bắc Mê đang phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm trở lên. Đến cuối năm 2025, đưa số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 7/13 xã, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 42 triệu đồng.

Để làm được điều này, Chủ tịch UBND huyện Trần Mạnh Tuyên cho biết: Thời gian tới, huyện Bắc Mê sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và đổi mới nội dung hình thức đa dạng phù hợp với tâm lý, tập quán nhân dân. Tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo và coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhất là trong tầng lớp nhân dân về các tiêu chí tiếp cận đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững để người nghèo thấy rõ vai trò của mình, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chính chương trình giảm nghèo.

Phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bỏ lại ở phía sau. Phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo xây dựng cuộc sống ấm no.

Từ chính mảnh đất ấy, con người ấy nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước sẽ là động lực giúp người dân thoát nghèo, làm giàu cho quê hương. Những chính sách thiết thực, hiệu quả đúng và trúng cũng như sự hỗ trợ giống cây tốt, con vật tốt sẽ tạo ra việc làm bền vững, có thu nhập ổn định không chỉ giúp các hộ thoát nghèo mà cả cộng đồng cùng thoát nghèo.

Trung Kiên
Ý kiến của bạn
Tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7% Tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, các địa phương động lực dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.