Bác sĩ tử vong do đột quỵ: Thêm hồi chuông cảnh báo không chủ quan với sức khỏe chính mình

Sức khỏe
10:44 AM 09/02/2022

Mỗi ngày ngồi phòng mạch từ 5h sáng đến 21h tối, khi cơn đột quỵ xảy đến với nữ bác sĩ, người thân cũng là bác sĩ đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở nơi không đủ phương tiện, dẫn đến muộn giờ vàng. Sự việc như hồi chuông cảnh tỉnh mà TS.BS Trần Chí Cường nêu ra để ngăn chặn những điều tương tự mai sau.

Cả hai vợ chồng bệnh nhân là bạn học cùng khóa với BS Cường và đều là bác sĩ có danh tiếng tại Bến Tre. Tối mùng 5 Tết Nhâm Dần vừa qua, nữ bác sĩ đột ngột đau đầu, nôn ói, huyết áp tăng. Trước đây, chị từng có những triệu chứng tương tự và tự điều trị qua cơn đột quỵ, tuy nhiên lần này uống thuốc không đỡ nên được chồng chở vào Trung tâm y tế gần nhà, song nơi đây không có máy CT scan. Trên xe cấp cứu, nữ bác sĩ - giờ là bệnh nhân ngưng tim - không có phương tiện gì hỗ trợ. Tại Trung tâm y tế, chị tiếp tục bị tăng huyết áp, các bác sĩ lo ngại xuất huyết não nên dùng thuốc hạ huyết áp cho bệnh nhân.

Bác sĩ thăm khám sức khỏe và theo dõi tình trạng hồi phục của bệnh nhân.

Bác sĩ thăm khám sức khỏe và theo dõi tình trạng hồi phục của bệnh nhân.

Theo BS Cường, đây là cách làm theo quán tính nhưng nếu bệnh nhân bị nhồi máu não mà chưa được chẩn đoán, lại được dùng thuốc hạ huyết áp sớm quá thì sẽ bị tụt huyết áp, tổn thương não nặng hơn. Rất tiếc là trường hợp này chưa được phân biệt nhồi máu não hay xuất huyết não mà đã cho dùng thuốc hạ huyết áp. Diễn tiến sau đó là bệnh nhân bị tụt huyết áp khi được chuyển đến bệnh viện lớn tại địa phương.

Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận định đây là một ca nặng nhưng sau khi chụp CT scan không thấy xuất huyết não. Câu hỏi đặt ra: "Vậy nguyên nhân gì làm cho bệnh nhân hôn mê và ngưng tim"?

Lúc này đã gần 23h, người chồng mới liên lạc với bạn học là TS.BS Trần Chí Cường. BS Cường phán đoán đây là trường hợp nhồi máu não - tắc động mạch thân nền vì có những triệu chứng rõ ràng: Đột ngột hôn mê sâu, ngưng tim ngưng thở, liệt tứ chi. Đây là vùng não quan trọng, chi phối cơ quan hô hấp, vận mạch, tuần hoàn, cử động chân tay… khi bị đột quỵ ở vùng này thì tỷ lệ tử vong lên đến 90%. BS Cường đề nghị chuyển đến S.I.S Cần Thơ lập tức.

Từ lúc bệnh nhân có diễn tiến nặng là 20h mùng 5 Tết đến tận 6h sáng mùng 6 Tết, bệnh nhân mới được đưa tới được Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, tức là mất khoảng 10 tiếng đồng hồ từ Bến Tre để đến Cần Thơ (đoạn đường chưa đầy 100km), mà nếu không bị "lòng vòng" do thiếu thông tin thì chỉ mất hơn 2 tiếng di chuyển! Đến nơi, bệnh nhân đã hôn mê sâu, chỉ còn nhúc nhích tay bên trái được một chút. Sau 15 phút chụp MRI, kết quả khẳng định phán đoán trước đó của TS.BS Trần Chí Cường đúng là tắc động mạch thân nền. Khối máu tụ đã được can thiệp hút hết ra nhưng liệu nữ bác sĩ có phục hồi hay không thì phải chờ vài ngày tới.

Hai vợ chồng ngày nào cũng ngồi phòng mạch, miệt mài khám bệnh từ 5h sáng đến 21h tối, cuối ngày chỉ có thể nghỉ ngơi, không còn thời gian cập nhật thông tin về đột quỵ. Lúc này, người chồng mới tiếc nuối: "Nếu biết việc chuyển viện qua các tuyến mất thời gian như thế, mình chở bà xã đến đây luôn thì nhanh biết mấy!".

Trong số 210 bệnh nhân đột quỵ liên tục đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ trong 5 ngày Tết có một người nữa cũng là bác sĩ, đang nắm giữ vị trí Phó Giám đốc một bệnh viện tại Cà Mau, bị đột quỵ ngay trong ca trực và đã không qua khỏi.

Các bác sĩ này đều trong độ tuổi dưới 50, sức làm việc còn nhiều, thời gian cống hiến còn dài, bỗng nhiên trở thành nạn nhân của đột quỵ thì quá đáng tiếc. Đó là thiệt hại nặng nề nhất là cho bản thân và gia đình, sau đó là mất mát của cộng đồng.

Tại S.I.S Cần Thơ đã có hàng ngàn trường hợp bệnh nhân đột quỵ đến trước 6 giờ (trong thời gian vàng) đã được điều trị rất hiệu quả, chứng kiến các bác sĩ lại đến trễ giờ vàng khiến TS.BS Trần Chí Cường càng thêm trăn trở.

"Đâu đó trong ngành y vẫn còn những trường hợp đáng tiếc xảy ra do các đồng nghiệp dường như chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề đột quỵ. Khi đột quỵ ập đến với chính bản thân hay gia đình mình, họ cũng rất lúng túng vì thiếu thông tin. Đôi khi tiền không cứu được mình mà chỉ có kiến thức mới cứu được mình", BS Cường nhấn mạnh.

Bây giờ dù hai vợ chồng bác sĩ ở Bến Tre (hay bất cứ trường hợp tương tự ở địa phương khác) muốn đánh đổi số tiền tích lũy được trong 20 năm ngồi khám phòng mạch để mua lại sức khỏe trước đó vài giờ cũng không thể được.

Nếu có sự chuẩn bị, có sự phối hợp, có kiến thức thì có thể kiểm soát được nguy cơ đột quỵ nhưng nhiều người đã quá tham công tiếc việc mà thờ ơ với sức khỏe của chính mình.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.