Bài 2: Văn hóa nâng tầm thời cách ly, giãn cách

Xã hội
10:00 PM 14/07/2020

Dịch Covid-19 xuất hiện đã tác động đến mọi lĩnh vực và biết bao hệ lụy chưa thể thống kê hết. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng là lúc người dân nhận thức được rõ hơn về giá trị cuộc sống, từ đó chủ động thay đổi hành vi, thói quen, hình thành lối sống tích cực, lành mạnh, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nhận thức mới - ứng xử mới

Giữa cái nắng oi ả của những ngày đầu tháng 7-2020, ông Trần Huy Đoạt, Tổ trưởng tổ dân phố số 2 (phường Việt Hưng, quận Long Biên) đang soạn lại các tài liệu về hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết; cách loại bỏ nơi sinh sản của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết... để chuẩn bị cho buổi tuyên truyền đến các hộ dân.

Kể từ thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Hà Nội vào năm 2017 đến nay đã 4 năm, ông Trần Huy Đoạt là thành viên của đội xung kích diệt bọ gậy, kiêm cán bộ tuyên truyền về các dịch bệnh truyền nhiễm của địa phương. Điều khiến ông luôn trăn trở, đó là làm sao đưa được những kiến thức phòng bệnh mình được tập huấn, thậm chí đã thuộc lòng đến với cộng đồng, "ngấm" vào từng người dân để họ hiểu và làm theo.

"Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa dịch sốt xuất huyết, chúng tôi lại "rát cổ, bỏng họng" tuyên truyền, rồi "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" hướng dẫn người dân. Vậy mà, khi hỏi đến, nhiều người vẫn không hiểu được loại muỗi nào mới gây bệnh sốt xuất huyết, cách loại bỏ chúng... Thậm chí, có người dù hiểu, nhưng để họ làm theo lại là cả vấn đề. Thế nhưng, năm nay, dường như công việc "vác tù và hàng tổng" này "nhàn" hơn, bởi ý thức phòng bệnh của người dân đã có những chuyển biến mạnh mẽ, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta", ông Trần Huy Đoạt chia sẻ.

Ông Trần Huy Đoạt cho biết, trái với sự vô cảm và bàng quan, người dân đã hình thành ý thức đeo khẩu trang khi ra đường, đến những nơi công cộng. Và thời điểm này, không ai bảo ai, cứ cuối tuần các hộ dân lại gọi nhau dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật dụng phế thải, vỏ hộp... để ngăn ngừa muỗi vằn trú ngụ, sinh sôi. Tình trạng xả rác không đúng nơi quy định cũng giảm hẳn... Nhờ ý thức phòng dịch của mỗi người dân, gia đình được nâng lên từ dịch Covid-19, đã góp phần quan trọng giúp cho công tác phòng dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay đạt hiệu quả hơn. Đến thời điểm hiện tại, nơi đây chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh sốt xuất huyết, trong khi mọi năm vào thời điểm này đã có không ít người phải nhập viện...

Ở khía cạnh khác, suốt 6 năm nay, chị Lê Thị Huyền (33 tuổi ở Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) sử dụng xe buýt để đi làm. Gắn bó với phương tiện công cộng này trong thời gian không nhỏ, nên chị Huyền cảm nhận rõ sự thay đổi của xe buýt trước và sau khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Chị Huyền chia sẻ, dù ngày nào hành khách cũng được nhà xe nhắc nhở: "Hãy cùng chúng tôi xây dựng văn hóa xe buýt", nhưng thực tế trên xe vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng một số người vô tư nói chuyện điện thoại gây mất trật tự công cộng hoặc không nhường chỗ cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai. Về phía lái xe, có lúc phóng nhanh, vượt ẩu, không để ý đến việc dừng, trả khách dẫn đến hành khách chưa xuống, xe đã đóng cửa. Phụ xe đôi lúc cũng có những lời nói khó nghe, thậm chí lớn tiếng với hành khách... Những hành vi ứng xử như vậy đã làm ảnh hưởng tới nét đẹp văn hóa ứng xử nơi công cộng, khiến một số người ngại đi lại bằng xe buýt.

"Thế nhưng, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, văn hóa tham gia giao thông của hành khách và cả nhân viên xe buýt đã thay đổi tích cực. Mọi người có ý thức giữ vệ sinh chung, đeo khẩu trang và xả rác, vứt rác đúng nơi quy định. Các phụ xe cũng luôn nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và hạn chế nói chuyện. Cảm giác xe buýt giờ đây văn minh và sạch sẽ hơn trước rất nhiều", chị Huyền nhận xét. 

Tăng "kháng thể tinh thần"

Không thể phủ nhận, dịch Covid-19 xuất hiện đã làm đảo lộn cuộc sống thường nhật, từ học tập, công việc, cho đến vui chơi, giải trí... Song, cũng từ đây, nhiều thói quen sinh hoạt có lợi cho bản thân, gia đình đã được hình thành.

Chị Lưu Thu Hằng (38 tuổi, nhân viên Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội) tâm sự: "Trước đây, bữa cơm tối của gia đình hôm đủ, hôm thiếu thành viên. Người thì do bận công việc, người thì còn mải mê tụ tập quán xá, giao lưu với bạn bè... Mọi thứ cứ diễn ra như vậy hết ngày này đến ngày khác, khiến mọi người trong gia đình mất đi thói quen trò chuyện, chia sẻ với nhau. Thế nhưng, từ khi thực hiện giãn cách, cách ly xã hội vì dịch Covid-19 đến nay, mọi thành viên đã "xích lại gần nhau" hơn. Tan giờ học, giờ làm việc là vợ chồng, con cái quây quần, chia sẻ việc nhà hay cùng tập thể dục, thể thao, vui chơi... ".

Một thay đổi dễ nhận thấy nữa, đó là trước cổng các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, hầu hết người ra, vào đều đeo khẩu trang và được nhân viên bảo vệ hoặc nhân viên y tế đo thân nhiệt từ xa, được yêu cầu sát khuẩn tay và hướng dẫn làm tờ khai y tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, khi chuẩn bị triển khai các công việc này, không ít người lo ngại sẽ rất khó kiểm soát sự tuân thủ của mỗi người khi họ đến bệnh viện, nhưng qua thực tế cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác. Một không khí trật tự, không ồn ào, không chen lấn, mỗi người đều tuân thủ theo hướng dẫn của bệnh viện. Hình ảnh này còn mang lại một lợi ích khác cho bệnh viện, đó là tình hình an ninh, trật tự bệnh viện đã được kiểm soát tốt hơn, chặt chẽ hơn...

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ứng xử văn hóa, đoàn kết, chung sức chống dịch với tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái và sự điềm tĩnh cũng là một loại "kháng thể tinh thần" quan trọng để giúp Việt Nam sớm vượt qua hiểm họa, chiến thắng "giặc" Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của nước ta, không chỉ y, bác sĩ, cán bộ y tế dự phòng - những người ở nơi tuyến đầu chống dịch, mà cả những người tuân thủ quy định ở nhà trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội hay những người tuân thủ việc cách ly, tuân thủ khai báo y tế, vệ sinh tay, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh trong gia đình và nơi công cộng... đều xứng đáng được tuyên dương.

(Còn nữa)

Nhóm PV
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.