Bài toán lao động sau Tết: Mức lương trung bình rất khó quay về như trước kia, 22% nhân sự sẽ nghỉ việc nếu doanh nghiệp không trả thưởng Tết/lương tháng 13
Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc chuyên trang Việc Làm Tốt cho biết: "Dự báo sẽ có khoảng 22% lao động nghỉ việc sau Tết nếu các doanh nghiệp không trả thưởng Tết, lương tháng 13. Con số này sẽ giảm một nửa trong trường hợp doanh nghiệp vẫn trả thưởng và lương tháng 13 dù mức thưởng không được như kỳ vọng".
Báo cáo mới đây của chuyên trang Việc Làm Tốt (vieclamtot.com) cho biết thị trường tuyển dụng những tháng cuối năm sôi động và mức lương trung bình tăng nhẹ. Tuy vậy, câu chuyện lương thưởng Tết có hay không, nhiều hay ít vẫn ảnh hưởng đến sự gắn bó của người lao động.
Thị trường tuyển dụng sôi động những tháng cuối năm 2021
Mức lương trung bình của thị trường lao động phổ thông hiện nay mặc dù đã giảm nhiệt rất nhiều so với giai đoạn giãn cách xã hội do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng vẫn đang cao hơn mặt bằng lương trước lúc giãn cách từ 6-8%. Mức lương sẽ tiếp tục đi ngang và đi lên nữa khi thị trường sôi nổi sau Tết.
Dù vậy, mức lương trung bình rất khó quay về như trước kia, dù con số của nhóm ngành lao động phổ thông trong năm 2021 vẫn tăng 9,5% so với năm 2020.
Trong các nhóm ngành chính của lao động phổ thông thì Tài xế/Nhân viên giao hàng và Công nhân dẫn đầu về mặt bằng lương năm qua. Đây cũng là những nhóm ngành có mức lương không giảm cả trong và sau giãn cách. Điều này đến từ nhu cầu tuyển dụng của các nhóm ngành này luôn ổn định, cùng nhiều giai đoạn tăng trưởng.
Chưa kể, nhu cầu nhân sự sau dịch của các ngành này tăng mạnh, cụ thể nhóm Tài xế/Nhân viên giao hàng tăng 65% và 86% cho số tin đăng và số lượng nhân sự cần tuyển, của nhóm Công nhân là 54% và 90%.
Thống kê cũng cho thấy, không có quá nhiều chênh lệch trong mức lương trung bình hàng tháng của công nhân giữa các thành phố lớn, dao động ở 9-10 triệu/tháng. Sôi động nhất là thị trường tuyển Nhân viên giao hàng ở Bình Dương và Đồng Nai với mức lương hơn 11 triệu/tháng.
Việc Làm Tốt dự báo sự dịch chuyển lao động vào các nhóm ngành này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong 6 tháng đầu 2022 do nhu cầu tuyển dụng của thị trường gia tăng, kèm mức thu nhập ổn định và hấp dẫn nhất trong tất cả nhóm ngành lao động trong thời điểm hiện tại.
Dù hiểu cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người lao động vẫn kỳ vọng về lương thưởng Tết
Khảo sát mới nhất thực hiện trong tháng 1/2022 cho biết: có 90% người lao động nhận biết được kết quả hoạt động của công ty mình năm vừa qua thế nào trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Trong đó, nhóm người lao động thấy kết quả kinh doanh của công ty bằng, hoặc tốt hơn năm trước sẽ có kỳ vọng cao cho thưởng Tết cuối năm. Và người lao động sẽ có kỳ vọng thấp hơn nếu biết Doanh nghiệp đang gặp khó khăn và kết quả kinh doanh thấp. Dù vậy, người lao động vẫn mong muốn tháng lương thứ 13 thật chỉnh chu dù tình hình dịch hay hoạt động của công ty có ra sao. Do đó, để giữ chân nhân sự, các Doanh nghiệp cần cân đối để trả lương tháng 13 trọn vẹn cho người lao động dù kết quả kinh doanh thế nào.
Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc chuyên trang Việc Làm Tốt cho biết: "Dự báo sẽ có khoảng 22% lao động nghỉ việc sau Tết nếu các doanh nghiệp không trả thưởng Tết, lương tháng 13. Con số này sẽ giảm một nửa trong trường hợp doanh nghiệp vẫn trả thưởng và lương tháng 13 dù mức thưởng không được như kỳ vọng".
Nếu nhìn theo thâm niên, phần lớn nhóm lao động có thâm niên 5 năm trở lên sẽ tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp dù cho kết quả lương thưởng sắp tới thế nào. Tuy vậy, nhóm có thâm niên 1 năm và 2 năm là nhóm sẽ nghỉ nhiều nhất nếu không có lương thưởng hoặc vẫn có nhưng thấp hơn kỳ vọng của họ.
Trong dài hạn, các doanh nghiệp nên đầu tư vào các phúc lợi khác ngoài lương như hỗ trợ nơi ăn chốn ở, giáo dục cho con cái, y tế cho gia đình… cho người lao động bên cạnh lương thưởng, để làm bền chặt mối dây liên kết của người lao động với doanh nghiệp.
Đến nay, người lao động đã bắt đầu quay trở lại tìm việc từ đầu tháng 1/2022. Trong đó, có 64% người thất nghiệp vẫn ở tại nơi thành phố/địa phương làm việc trước đó, và khoảng 20% người tìm việc hiện vẫn ở quê và đang tìm kiếm cơ hội để quay trở lại các thành phố/khu công nghiệp lớn.
Có 3 điều mong mỏi nhất của người lao động trong năm mới Nhâm Dần 2022 gồm dịch bệnh được kiểm soát, tình hình kinh doanh của công ty/doanh nghiệp tốt hơn và năm sau công việc ổn định và được tăng lương.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.