Bamboo Airways được cấp phép bay thẳng đến Mỹ
Hãng hàng không Bamboo vừa được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cấp giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways với giấy phép này, Bamboo Airways sẽ được phép thực hiện các chuyến bay thẳng không nối chuyến bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, giữa các sân bay lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM tới tất cả các cảng hàng không quốc tế tại Mỹ.
Trong đó, một số sân bay tại thành phố Los Angeles hay San Francisco sẽ là những điểm đến đầu tiên của hãng. Ông cũng chia sẻ việc liên doanh giữa Bamboo Airways và các đối tác tại Mỹ để khai thác đường bay này.
“Tùy tình hình hồi phục sau dịch bệnh tại Mỹ và điều kiện thị trường, dự kiến nhanh nhất là vào cuối năm 2020, đầu năm 2021, Bamboo Airways bắt đầu có những chuyến bay thẳng đầu tiên tới Mỹ”, ông Quyết cho biết.
Tham vọng bay Mỹ từng được Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đưa ra ngay từ khi mới gia nhập thị trường. Khi đó, hãng cho biết sẽ hoàn thiện các thủ tục, tìm kiếm liên doanh để bay thẳng đến Mỹ sớm nhất từ cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Theo tính toán của ông Quyết, với giá vé khứ hồi 1.100 USD cho 240 ghế, hãng thu về 116,3 tỷ đồng, sau khi trừ toàn bộ chi phí, hãng sẽ lỗ khoảng 13 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu nâng giá vé lên được 1.300 USD, Bamboo Airways không những cạnh tranh được với các hãng trong vực, mà còn có thể có lãi 8 tỷ đồng mỗi tháng. Trong trường hợp thuê Airbus A350, hãng có thể lãi đến 28 tỷ đồng một tháng cũng với mức giá 1.300 USD.
Nếu không lấp đầy được ghế, Bamboo Airways sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh - dồn khách để bay 15 ngày một tháng, thay vì 17 ngày. Thậm chí, hãng cũng có thể bay qua nước thứ ba như Nhật Bản, Hàn Quốc... để đón thêm khách, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trước đó, từ năm 2003, Việt Nam và Mỹ đã ký hiệp định về hàng không, cho phép các hãng hàng không hai nước mở đường bay thẳng đến Mỹ với thời hạn sớm nhất vào năm 2005. Phải đến đầu năm 2019, "điều kiện cần" cho hàng không Việt Nam bay thẳng tới Mỹ đã hoàn tất sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn CAT1 (năng lực giám sát an toàn mức 1). Tuy nhiên, đến nay các hãng hàng không Việt Nam vẫn chưa thể mở được đường bay này, đồng thời cũng chỉ có Bamboo Airways tỏ ra mặn mà.
Trong khi đó, Vietnam Airlines tỏ ra ngại ngần khi đánh giá Mỹ đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt hàng đầu thế giới, nhất là khi ngày càng có nhiều hãng đã cung cấp đường nối chuyến đến Mỹ qua điểm dừng Việt Nam. Tại Đông Nam Á, chỉ Singapore, Philippines còn duy trì một số chuyến bay thẳng đến Mỹ.
Lãnh đạo Vietjet Air cũng từng nói sẽ xem xét bay thẳng đến Mỹ vào một ngày đẹp trời khi có tất cả điều kiện. Tuy nhiên, đến nay hãng cũng ít đề cập đến kế hoạch này, đồng thời kiên trì với mô hình hoạt động giá rẻ, với các dòng máy bay thân hẹp, trên những chặng bán kính 5–6 tiếng.
Thủy PhạmCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.