Bán 49% “gà đẻ trứng vàng” FE Credit thu về 1,4 tỷ USD, tại sao lợi nhuận của VPBank chỉ tăng nhẹ trong năm 2021?
Thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit đem về 20.352 tỷ đồng cho ngân hàng mẹ VPBank, tuy nhiên không được hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất.
Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới công bố báo cáo tài chính quý 4 năm 2021.
Cụ thể trong quý 4 vừa qua, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt mức 8.523 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này được cải thiện so với mức giảm sâu của quý 3, xuống còn 7.474 tỷ đồng.
Theo đó lợi nhuận trước thuế của VPBank quý 4 năm 2021 đạt 2.845 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020. Mức lợi nhuận này đã cải thiện hơn con số giảm mạnh hồi quý 3/2021.
Lợi nhuận trước thuế cả năm hợp nhất của VPBank đạt mức 14.480 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020.
Lợi nhuận quý 4 VPBank giảm là do thu nhập lãi thuần giảm nhẹ nhưng chi phí tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể trong quý 4, VPBank trích lập dự phòng rủi ro nhiều nhất trong lịch sử ở mức 5.371 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 4/2021 của nhà băng này ở mức 2.855 tỷ đồng, tăng 3%.
Thu nhập lãi thuần, lợi nhuận của VPBank trong quý 3 và quý 4 giảm mạnh đến từ sự kiện nhà băng này chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit được ký kết từ tháng 4. Đến cuối tháng 10, nhà băng này thông báo hoàn tất thương vụ. FE Credit từ lâu được xem là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank.
Năm 2014, VPBank mua lại công ty cổ phần Tài chính Than Khoáng sản và tách bạch FE Credit thành công ty riêng năm 2015. Sau đó FE Credit bắt đầu phối hợp với công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey để phác thảo chiến lược và lộ trình hoạt động cho giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, FE Credit đem về gần 50% tổng thu nhập kinh doanh, 28,5% lợi nhuận trước thuế cho VPBank. FE Credit hiện chiếm hơn 50% thị phần thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng bùng nổ trong 5 năm qua tại Việt Nam.
Tuy nhiên báo cáo tài chính riêng lẻ của ngân hàng VPBank ghi nhận lợi nhuận ấn tượng. Cụ thể lợi nhuận trước thuế riêng lẻ cả năm 2021 đạt tới 37.963 tỷ đồng, cao gấp 4 lần năm trước đó. Với con số này, VPBank là ngân hàng có lợi nhuận riêng lẻ cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, bỏ xa các ''ông lớn'' trong ngành như Vietcombank, BIDV hay VietinBank trong năm 2021.
Động lực chính giúp lợi nhuận riêng lẻ ngân hàng mẹ tăng phi mã đến từ thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit. Cụ thể thu nhập từ góp vốn mua cổ phần đạt mức 23.955 tỷ đồng, gấp 3.992 lần so với con số 6,5 tỷ đồng của năm 2020. Trong đó, riêng thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit - thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam - là 20.352 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo giải trình của VPBank, do VPB SMBC FC (FE Credit được đổi tên) vẫn là công ty con của Ngân hàng theo quy định của pháp luật nên thu nhập từ giao dịch chuyển nhượng công ty con không ghi nhận trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất theo quy định về hợp nhất Báo cáo tài chính. Vì vậy mặc dù lợi nhuận riêng lẻ của VPBank tăng mạnh nhưng lợi nhuận hợp nhất của VPBank chỉ tăng nhẹ.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.