Ban chỉ đạo 389 quốc gia: Xử lý 54.199 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị.

Báo cáo về kế quả công tác trong 6 tháng đầu năm, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - Lê Thanh Hải cho biết, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp, trọng điểm là tại các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới. Hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có thuế suất cao, hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng của cả nước đã chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng và triển khai kế hoạch công tác năm, tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp kết hợp vừa kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia: Xử lý 54.199 vụ việc vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm, cả nước phát hiện xử lý 54.199 vụ việc vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh minh họa

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 4,72% so với cùng kỳ năm 2021); 1.019 vụ hàng giả, vi phạm SHTT (giảm 90,61% so với cùng kỳ năm 2021). Thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng.

Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành thành viên, các địa phương, đặc biệt là những cơ quan chuyên trách như Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… được triển khai thường xuyên và nhiều vụ việc, vụ án, chuyên án lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cho rằng thời gian qua mặc dù đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, một số hành vi vi phạm giảm song thủ đoạn ngày càng tinh vi. Số vụ việc được phát hiện xử lý có quy mô lớn hơn, tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, xu hướng chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử là tất yếu, đa dạng. Hiện nay, việc các đối tượng vi phạm lợi dụng môi trường thương mại điện tử để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra khá thường xuyên, công khai và phức tạp. Các cơ quan, lực lượng chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý.

Một số ngành, địa phương đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ phương tiện, thiết bị để lực lượng chức năng thuận lợi thi hành công vụ, nhất là ở địa bàn giáp biên, trên biển. Tăng mức xử phạt và thẩm quyền xử lý cho cấp cơ sở.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là tăng cường đẩy lùi suy thoái về đạo đức để làm tốt hơn nữa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Dự báo thời gian gần Tết, hàng buôn lậu sẽ tăng nên đề nghị các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến hàng không, đường biển và đường bộ; tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, triệt phá các hành vi vi phạm; làm tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng trong chia sẻ thông tin vụ việc; đẩy mạnh ứng dụng về khoa học công nghệ trong công tác. Đặc biệt cần làm tốt công tác truy cứu, điều tra, thông tin tình báo để truy vết tận gốc hàng lậu, hàng giả; đẩy mạnh truyền thông nêu các vụ vi phạm và vận động người dân tham gia tố giác tội phạm.

Hạ Duyên (t/h)
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.