Bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ

Kinh doanh
11:42 AM 04/02/2024

Vào ngày 6/2/2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) đồng tổ chức cuộc họp bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ.

Nội dụng chính là cập nhật thông tin, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Tham dự họp còn có đại diện VCCI, hiệp hội logistics, các hiệp hội ngành hàng, một số doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ba Bộ họp bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ- Ảnh 1.

Bộ Công thương, GTVT và Bộ Ngoại giao cùng họp với các doanh nghiệp bàn giải pháp gỡ khó trước tác động từ căng thẳng Biển Đỏ. Ảnh: Internet

Diễn biến phức tạp tại khu vực Aden, Biển Đỏ kéo dài từ cuối tháng 11/2023 tới nay đã khiến các hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, Maersk... tránh đi qua kênh đào Suez, tuyến đường thủy nối châu Á với châu Âu và Mỹ. Theo đó, các tàu container sẽ phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, khiến hành trình dài hơn khoảng 40%, làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển.

Hoạt động vận tải hàng hóa toàn cầu qua Biển Đỏ đã giảm 20% trong tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm 2022, do các tàu chở hàng phải tìm tuyến vận tải mới tránh khu vực có thể bị lực lượng Houthi ở Yemen tấn công. Do đi đường vòng, cước vận tải tăng thêm với nhiều khoản phụ phí phát sinh, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Căng thẳng Biển Đỏ đang ảnh hưởng nghiêm trọng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 khi phải đối mặt với nguy cơ tăng giá cước tàu, tăng thời gian vận chuyển, tăng đơn hàng đặt chỗ, tăng hoãn đơn hàng và tăng các loại phụ phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Các ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất sẽ là dệt may, da giày, đồ gỗ và các sản phẩm điện tử... Đây vốn là những nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đi Mỹ, châu Âu...

Theo thống kê, giá cước vận chuyển sang Mỹ, Canada đến Bờ Tây từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 lên 2.873 - 2.950 USD/container vào tháng 1/2024 (tăng thêm 55% - 60%); cước tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100 - 4.500 USD/container vào tháng 1/2024 (tăng thêm 58% - 73%).

Riêng giá cước sang châu Âu ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg có giá 1.200 - 1.300 USD trong tháng 12/2023 tăng lên 4.350 - 4.450 USD trong tháng 1/2024, tăng hơn gấp đôi.

Phần lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán giá FOB nên các đơn hàng cũ không bị tăng chi phí. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhập khẩu do phải trả thêm cước quá cao khiến việc đặt hàng của họ chững lại. Một số khách hàng tiềm năng giảm mua hàng và đề nghị đàm phán lại giá cả. Điều này tác động ngược lại các doanh nghiệp xuất khẩu bởi trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp nỗ lực giảm giá bán, đưa ra mức giá cạnh tranh nhất có thể. Nếu giảm nữa, chắc chắn không có lãi, thậm chí lỗ.

Lo ngại trước tình trạng giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao, Bộ GTVT trước đó đã yêu cầu hỗ trợ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ.

Bộ này yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời, nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.

“Cục Hàng hải có trách nhiệm đẩy nhanh thủ tục ra - vào cảng và việc xếp dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu. Đồng thời, khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa”, Bộ GTVT yêu cầu.

Để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương hiện cũng đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan để theo dõi chặt chẽ tình hình từ đó đưa ra những khuyến cáo các doanh nghiệp của Việt Nam có thể lựa chọn phương thức thay thế.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn