Bàn giải pháp thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19

Diễn đàn
06:25 PM 25/11/2022

Theo Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, cũng như các nền kinh tế trong khu vực ASEAN, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những rủi ro và thách thức không nhỏ. Việc thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra giải pháp nhằm "hiến kế" để có một chiến lược ứng phó trong bối cảnh kinh tế quốc tế có những biến động lớn là rất cần thiết.

Sau đại dịch Covid-19, lạm phát và suy giảm kinh tế đang khó lường

Đó là nhận định của Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội nghị thường niên FAEA lần thứ 45 tại Hà Nội trong 2 ngày 26-26/11.

Hội nghị thường niên quy tụ chuyên gia kinh tế của các nước Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trực tiếp gặp gỡ, cùng nhau thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường.

Bàn giải pháp thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, các nhà kinh tế ASEAN thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra giải pháp nhằm "hiến kế" để có một chiến lược ứng phó trong bối cảnh kinh tế quốc tế có những biến động lớn là rất cần thiết.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, trong khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do đại dịch COVID-19 chưa kịp phục hồi, xung đột Nga-Ukraine bùng nổ làm giá năng lượng, hàng hóa tăng mạnh, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng trong giai đoạn đại dịch khiến lạm phát tăng vọt ở nhiều nước, gây ra tình trạng vừa lạm phát, vừa suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Từ đầu năm 2022, vừa thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đã hứng chịu nhiều biến động mạnh và những cú sốc lớn, khó dự báo.

Để hạ nhiệt lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất, kích hoạt làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu mạnh nhất, với phạm vi rộng nhất trong vòng 50 năm qua. Đồng USD hiện nay đang trở nên "siêu mạnh", làm đảo chiều các dòng chu chuyển vốn quốc tế và kéo theo sự mất giá của hàng loạt đồng tiền. Điều này tạo ra sức ép rất lớn đối với việc ổn định tỷ giá và cán cân thanh toán của nhiều nền kinh tế đang phát triển.

Nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn sẽ giảm mạnh và kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn trong năm 2023, trong bối cảnh lạm phát và mặt bằng lãi suất dâng cao, giá cả năng lượng trồi sụt, tổng cầu yếu và đơn hàng giảm sút, niềm tin của người tiêu dùng ở mức rất thấp và dư địa chính sách đang thu hẹp rất nhanh ở hầu hết các nước.

Những yếu tố trên đã tác động mạnh đến các nền kinh tế ASEAN vốn vẫn bị lệ thuộc nhiều vào nền kinh tế bên ngoài.

"Chủ đề Hội thảo FAEA-45 tại Hà Nội lần này tiếp tục là một vấn đề vừa mang tính thời sự, cấp thiết, vừa có tầm nhìn tổng thể và dài hạn về kinh tế khu vực", Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.

Theo Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, cũng như các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những rủi ro và thách thức không nhỏ. Việc thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra giải pháp nhằm "hiến kế" để có một chiến lược ứng phó trong bối cảnh kinh tế quốc tế có những biến động lớn là rất cần thiết.

"ASEAN càng phải hợp tác hơn nữa để phát triển kinh tế"

Đó là phát biểu của ông Denny Abdi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam tại FAEA – 45. Theo đại sứ Denny Abdi, các nước khối ASEAN luôn cam kết hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN càng có vai trò quan trọng. "Chúng ta càng phải hợp tác, hợp tác hơn nữa để hỗ trợ phát triển kinh tế", ông Denny Abdi nói.

Bàn giải pháp thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Ông Denny Abdi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam đưa ra nhiều nhận định quan trọng trong FAEA – 45.

Nhấn mạnh sự hợp tác của các quốc gia thành viên ASEAN trong phát triển kinh tế, ông Youngho Chang, chuyên gia kinh tế đến từ Singapore nói: "Không có cách nào chúng ta có thể đi lùi, chúng ta phải tiến bước, phải tiến bước cùng nhau cho một tương lai tươi sáng ở ASEAN".

Các chuyên gia kinh tế các nước ASEAN đã đưa ra kết quả nghiên cứu trong bối cảnh đất nước bị tác động nặng nề bởi COVID-19. Trước tiên là vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Giáo sư – Tiến sỹ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ đã điều hành buổi thảo luận của các đại biểu.

Ông Võ Tòng Xuân nhấn mạnh vai trò của lương thực khi có "sự cố" như COVID-19. Sản xuất bị định trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, xuất khẩu bị trì hoãn khiến giá lương thực tăng cao. Tuy giá lương thực tăng nhưng không tăng cao bằng giá các nguyên liệu ngoài tác động như giá nguyên liệu, giá vận chuyển. Điều này khiến vấn đề an ninh lương thực tại các nước phải nhập khẩu lương thực bị ảnh hưởng.

Bàn giải pháp thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nước ASEAN sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Giáo sư – Tiến sỹ Võ Tòng Xuân và các diễn giả trong phiên thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và nông nghiệp.

Tiến sỹ Khin Thida Nyein, đại diện của Myanma đã có tham luận về tình hình an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp. Theo bà Nyein, đa số các nước ASEAN tự cấp lương thực, thậm chí là xuất khẩu. Với đặc điểm của Myanma, Chính phủ của bà đã có nhiều nỗ lực để phát triển nông nghiệp, ổn định tình hình an ninh lương thực, đảm bảo cuộc sống cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến cả thế giới gặp khó khăn.

Ngoài mục tiêu về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới sự ảnh hưởng của đại dịch được các nhà nghiên cứu kinh tế các nước quan tâm. Có nhiều giải pháp từ các đại biểu các nước như Indonesia, Philippines đưa ra.

Chuyên gia Thái Lan cho biết, trong bối cảnh đại dịch, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện chương trình thẻ an sinh cho người nghèo. Từ năm 2017, Chính phủ Thái Lan phát thẻ an sinh cho khoảng 20% dân số với tổng chi phí khoảng 1 tỷ USD/năm. Với mỗi thẻ này, người dân được khoảng 200-300 baht (khoảng 10 USD/người/thẻ/tháng). Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ tiền đi xe bus, đi tàu điện.

Indonesia cũng ra chính sách tài chính xã hội. Nguồn tài chính công và trái phiếu xã hội giúp thúc đẩy an sinh xã hội, từ đó tối ưu hóa đầu tư xã hội. Các doanh nghiệp phát triển gắn giữa tài chính xã hội và đảm bảo chất lượng và thay đổi tư duy phát triển. Doanh nghiệp thay đổi tư duy, không chỉ nghĩ tới lợi nhuận mà còn nghĩ tới xã hội, như vậy sẽ tạo sự phát triển bền vững.

Hội nghị thường niên FAEA lần thứ 45 diễn ra trong 2 ngày sẽ có nhiều chủ đề quan trọng để các nhà kinh tế bàn luận và đưa ra giải pháp cho phát triển bền vững, vì nền kinh tế thịnh vượng chung toàn khu vực.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
HCMC FOODEX 2024 – Ngành lương thực, thực phẩm bứt phá hướng mục tiêu phát triển bền vững HCMC FOODEX 2024 – Ngành lương thực, thực phẩm bứt phá hướng mục tiêu phát triển bền vững

Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh lần thứ 3 – HCMC FOODEX 2024 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) chủ trì, phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến 18/05/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh