Ban hành Danh mục Phân loại Xanh: Chuẩn hóa thị trường vốn xanh

Chính sách
08:26 AM 14/07/2025

Danh mục Phân loại Xanh chính thức ban hành tạo nền tảng pháp lý quan trọng, mở đường cho tín dụng và trái phiếu xanh phát triển mạnh tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Danh mục Phân loại Xanh của Việt Nam đã được chính thức ban hành kèm theo Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 4/7/2025 về “Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh”.

Ban hành Danh mục Phân loại Xanh: Chuẩn hóa thị trường vốn xanh- Ảnh 1.

7 nhóm ngành được quy định trong Danh mục Phân loại Xanh của Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg. Ảnh: FiinRatings

Theo báo cáo của FiinRatings, đây là dấu mốc quan trọng hình thành khung pháp lý đầu tiên cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam. Danh mục cung cấp bộ chuẩn thống nhất để xác định, sàng lọc và xác nhận dự án đủ điều kiện tiếp cận tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh, qua đó mở rộng dòng vốn xanh và củng cố sự minh bạch của thị trường tài chính bền vững.

Danh mục được quy định với 45 lĩnh vực, loại hình dự án thuộc 7 nhóm ngành, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho thị trường tài chính xanh trong nước, bao gồm tín dụng xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.

Khung này thiết lập tiêu chí môi trường thống nhất để xác định và sàng lọc các dự án đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi bền vững của các ngành trọng điểm tại Việt Nam.

Trên thị trường tín dụng, các ngân hàng giờ đây có thể chuẩn hóa tiêu chí cho vay xanh, giảm thiểu rủi ro đánh giá chủ quan. Trên thị trường trái phiếu, khuôn khổ này đóng vai trò nền tảng giúp doanh nghiệp dễ dàng phát hành trái phiếu xanh, tiếp cận mức lãi suất ưu đãi từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước như gói trợ cấp 2%/năm theo Nghị quyết số 198/2025/QH15.

Theo Quyết định 21, cơ chế xác nhận dự án xanh đã được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn. Theo đó, quy định cho phép thực hiện theo đề nghị của chủ dự án và đa dạng hóa phương thức xác nhận thông qua các tổ chức đánh giá độc lập đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia như TCVN ISO/IEC 17029:2020 hoặc tiêu chuẩn quốc tế như ISO/IEC 17029:2019 và ISAE 3000.

Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh và nâng cao sự minh bạch thông tin và độ tin cậy của bên cho vay và nhà đầu tư vào các công cụ tài chính này.

Danh mục này cũng mở ra cơ hội đáng kể cho các định chế tài chính và doanh nghiệp tham gia thị trường tài chính xanh: thông qua kênh tín dụng với việc tận dụng các chính sách hỗ trợ như chủ trương trợ cấp lãi suất 2%/năm của Nhà nước theo Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội và các định hướng của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Với kênh trái phiếu, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn song song áp dụng các nguyên tắc trái phiếu xanh quốc tế theo cơ chế tự nguyện cho hoạt động huy động vốn. Việc ban hành khung Danh mục Phân loại xanh của Việt Nam cũng sẽ là tiền đề để hình thành các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích cụ thể hơn giúp cho thị trường trái phiếu xanh phát triển mạnh trong thời gian tới.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn