Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 8,8%

Thị trường
08:37 AM 08/10/2024

Chín tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ trong chín tháng năm nay.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 9 ước đạt 535,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6% và lưu trú, ăn uống tăng 7,9%. Trong quý III/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.591,0 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%).

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 8,8%- Ảnh 1.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 8,8%

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chưa đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19 (tăng trên 10%) và mức tăng 9 tháng năm nay thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 9 tháng các năm giai đoạn (2015-2019). Nguyên nhân một phần là do cơn bão Yagi tác động mạnh đến tình hình sản xuất và tiêu dùng thời gian qua, khiến nhu cầu của người dân không còn duy trì được tốc độ gia tăng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, kinh tế chưa thực sự phục hồi khiến nhu cầu tiêu dùng chưa cao. Minh chứng cho điều này là trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2024 ước đạt 3.630,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 5,4%). Trong đó, hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,3%; may mặc và vật phẩm văn hoá, giáo dục cùng tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 5,4%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như: Quảng Ninh tăng 10,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Cần Thơ tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7,0%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2024 ước đạt 543,0 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như: Khánh Hòa tăng 18,0%; Cần Thơ tăng 11,9%; Hà Nội tăng 10,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,4%; Bình Dương tăng 7,9%.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2024 ước đạt 45,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế.

Mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 được đề ra là tăng 9% so với cùng kỳ. Con số đạt được sau quý III là 8,8%. 

Theo các chuyên gia, mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9% có thể đạt được, tuy nhiên cần các chính sách kích cầu phù hợp.

Theo đó, để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2245QĐ-BCT về tổ chức “Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024”. Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 2/12/2024 đến ngày 31/12/2024. Vietnam Grand Sale 2024 được tổ chức đồng thời trên phạm vi toàn quốc do Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.

Cùng với Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia, các địa phương cũng tích cực triển khai các giải pháp kích cầu cấp tỉnh, thành phố. Nhằm thúc đẩy tiêu dùng những tháng cuối năm, hiện tại, các nhà phân phối đang nỗ lực tung ra các chương trình ưu đãi, tăng cường quảng bá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng trong các tháng cuối năm.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Đường sắt nhẹ LRT: Từ ám ảnh kẹt xe tới giấc mơ “sống Tây Ninh làm việc TP.HCM” Đường sắt nhẹ LRT: Từ ám ảnh kẹt xe tới giấc mơ “sống Tây Ninh làm việc TP.HCM”

Tuyến đường sắt nhẹ (LRT) sẽ chạy dọc sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100km, kỳ vọng góp phần gỡ điểm nghẽn về giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ phát triển tương xứng tiềm năng.