Bản Mạ: Điểm du lịch cộng đồng của người Thái ở Thanh Hóa

Địa phương
12:46 PM 28/02/2023

Sau khi được Đảng, Nhà nước xây dựng cầu bắc qua sông Chu, nối liền bản Mạ với bên ngoài, việc kết nối thông thương đã làm thay đổi căn bản đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nơi đây. Nhờ đó, bản Mạ đã trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn "hút" khách du lịch từ các nơi đổ về.

Bản Mạ trước đây thuộc xã Xuân Cẩm, nay là thị trấn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bản Mạ cách TP. Thanh Hóa 60km về phía Tây. Hiện nay bản có 57 hộ, gồm 246 nhân khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Thái cùng sống chung một mái nhà đoàn kết như anh em ruột. 

photo-1677557460631

Cầu treo bắc qua sông Chu, nối bản Mạ với bên ngoài.

Là một bản nằm biệt lập sát bờ sông Chu, người dân ngày trước muốn đi ra khỏi bản chỉ có con đường độc nhất dùng thuyền, bè mảng để qua sông. Đặc biệt vào mùa mưa lũ bản Mạ trở thành một vùng cô lập, các hoạt động đi lại ách tắc, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của nhân dân. Khi thiên không thời, địa không lợi và nhiều yếu tố khác cộng lại nên người dân bản Mạ gặp nhiều khó khăn, đa phần là hộ nghèo.

Năm 2016, bản Mạ được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng cầu treo bắc qua sông Chu. Ngày khánh thành, 2 bên đầu cầu người đông nghịt như ngày hội, cùng với tiếng reo hò của nhân dân vui mừng, phấn khởi khôn xiết. Ước mơ bao đời nay của họ đã được toại nguyện. Chiếc cầu treo "sừng sững" bắc qua sông Chu đã nối liền bản Mạ với cộng đồng. 

Và cũng từ đây, mật độ du khách đến bản Mạ ngày càng đông. Giao thông được lưu thông, kinh tế phát triển, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt. 

Từ một bản nghèo, nhân dân thiếu thốn mọi thứ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và huyện Thường Xuân, nhân dân đoàn kết một lòng, đến nay bản Mạ đã trở thành điểm du lịch cộng đồng "hút" khách du lịch mọi miền, kể cả khách nước ngoài, vào dịp Tết Qúy Mão vừa qua bản Mạ đã tiếp đón trên 20.000 khách du lịch.

Đến với bản Mạ, du khách được chiêm ngưỡng núi rừng hùng vĩ với những thảm rừng thực vật một màu xanh thẳm trải dài ngút ngàn, cùng với dòng sông Chu êm đềm hiền hòa chảy theo sườn núi, tạo nên cảnh quan môi trường lý tưởng dịu mát trong những ngày hè nóng nực nhưng lại ấm áp khi gió mùa đông bắc thổi về. 

Về bản Mạ, du khách được ngắm ruộng bậc thang nhiều tầng, lúa chín vàng óng như đang vẫy gọi, chào đón quý khách. Xa xa thấp thoáng là những ngôi nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ, cổ kính từ xa xưa. Hiện nay, cả bản có 35 ngôi nhà là kỷ vật đáng quý được nhân dân bảo tồn và gìn giữ, cùng với nghề truyền thống của đồng bào Thái như thêu, dệt thổ cẩm, đan lát… bản Mạ với cảnh đẹp nguyên sơ và bình dị gắn với sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. 

Bức tranh đa sắc màu của bản Mạ đã làm say đắm, hút hồn nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đến đây, du khách được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của đồng bào Thái, được tham quan tìm hiểu các phong tục tập quán qua nếp nhà sàn cổ, được trải nghiệm khung dệt vải, se tơ, đan lát, chế biến thực phẩm... Theo đó du khách được tham gia múa hát cùng những cô gái Thái xinh tươi với trang phục đặc sắc hấp dẫn. Du khách say sưa đến mức không còn ranh giới giữa chủ và khách...

Đến với bản Mạ, du khách được thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà khó quên của đồng bào Thái, được chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên tại chỗ, với cách tẩm ướp gia vị cầu kỳ, cẩn thận và đảm bảo vệ sinh ATTP như: Canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, gà nướng, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam và các loại chẻo… 

Đến với du lịch bản Mạ, du khách có cơ hội đi tham quan đền Cửa Đạt, đền Cầm Bá Thước, đền Đức Ông, đền Bà Chúa Thượng Ngàn, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên… là những điểm dừng chân lý tưởng cho du khách thập phương.

Với mong muốn đưa bản Mạ phát triển hơn nữa, thời gian qua huyện Thường Xuân cùng với việc đầu tư kinh phí, nâng cấp hạ tầng giao thông đi lại, bằng nhiều “kênh” khác nhau đã và đang mời gọi các nhà đầu tư lớn đến bản Mạ đầu tư vào du lịch cộng đồng, trên nguyên tắc phát triển du lịch nhưng phải bảo tồn tối đa, giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của điểm đến, hy vọng du lịch cộng đồng ở bản Mạ có thể “đi sau” nhưng phát triển phải bền vững.

Ngọc Lanh
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.