Bán nhẫn cưới được gần 2 triệu, cầm tiền đi mua thứ "không tưởng"

Tư vấn Tiêu dùng
07:18 PM 28/07/2025

Chắc hẳn là phải bí bách lắm mới bán vàng cưới lấy tiền thế này...

Mua vàng tích sản, tới khi có việc lớn như mua nhà, mua đất thì bán đi lấy tiền. Điều này rõ ràng là chẳng có gì lạ, cũng không có gì đáng bàn cãi. Tựu trung lại thì cũng chỉ là "đổi quỹ tích sản" thành một tài sản khác có giá trị hơn.

Mới đây trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quả lý tài chính, một cô vợ cũng tâm sự về chuyện bán vàng cưới, mà cụ thể là nhẫn cưới. Nhưng mục đích bán vàng của cô không phải là để mua nhà hay mua xe. Ai đọc xong cũng cảm thấy vừa thương, vừa xót xa.

Bán nhẫn cưới được 1,7 triệu đồng chỉ đủ để mua cho con hộp sữa với bịch bỉm

Nguyên văn tâm sự của cô như sau: "Em bán nhẫn cưới rồi mọi người ạ. Ngày xưa mua hơn 2 triệu 1 cặp, giờ bán đi 1 chiếc cũng được 1,7 triệu đồng. Chắc đủ hộp sữa với bịch bỉm cho con. Vợ chồng em hiếm muộn nên để có bé cũng tốn nhiều chi phí. Tính từ lúc trước bầu đến tận giờ, khi con 5 tháng thì em cũng ở nhà hơn 1 năm rưỡi rồi.

Chồng em làm shipper, tháng được 8 triệu không đủ tiền sinh hoạt, ăn uống với bỉm sữa cho con. Em cũng tính đi làm nhưng chắc ít nhất cũng phải sang năm mới được vì giờ con nhỏ quá, gửi trẻ thì xót lắm mà cũng chẳng nhờ ai trông được. Em bế tắc quá, vừa thương con, vừa thương chồng..." - Cô viết.

Bán nhẫn cưới được gần 2 triệu, cầm tiền đi mua thứ "không tưởng"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người động viên cô cố gắng. Nuôi con chưa bao giờ là hành trình đơn giản, đặc biệt với những cặp vợ chồng hiếm muộn, thế nên giờ có con rồi, chuyện tiền bạc cũng chỉ là "chuyện nhỏ" thôi. Chỉ cần cố gắng làm lụng, tiết kiệm thì kiểu gì cũng khá lên.

"Nghe thương quá, phải bán nhẫn cưới lấy tiền mua bỉm sữa cho con... Nếu hiện tại kinh tế chưa dư dả, con mới 5 tháng thì có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mom ạ. Trong trường hợp không đủ sữa cho con thì có thể mua sữa của Việt Nam ấy, chứ còn đang túng thiếu mà cho con uống sữa ngoại thì khả năng là khó theo được lâu dài. Biết là mẹ nào cũng muốn những thứ tốt nhất cho con, nhưng cũng nên cân đối với tình hình tài chính nữa ấy" - Một người bình luận.

"Giống mình lúc sinh bé đầu cách đây 11 năm quá! Nghèo tới mức trong túi còn đúng 250k mua cho con lon sữa. Bạn có thể thử xin làm việc từ xa xem sao, tùy kinh nghiệm nhưng mình thấy cũng nhiều nơi tuyển người trực fanpage, chăm sóc khách hàng, có thể làm ở nhà ấy. Cố gắng tới khi con tầm 2 tuổi rồi cho đi trẻ, lúc đó thì bố mẹ tập trung làm việc kiếm tiền" - Một người động viên.

"Mình nghĩ là đang khó khăn thì có thể cho con đi tiêm phòng ở phường thay vì đi tiêm dịch vụ. Quần áo cũng ưu tiên đi xin hơn tự mua. Đồng thời thử khuyên chồng đổi việc hoặc làm thêm việc xem sao, mình ở nhà cũng cố kiếm việc làm thêm dù biết là khó nhưng cứ cố xem sao. Chúc gia đình sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé" - Một người khác bày tỏ.

Nên chuẩn bị tài chính thế nào trước khi sinh con?

Đã có con, chắc hẳn bố mẹ nào cũng muốn cho con những thứ tốt nhất trong khả năng có thể. Thế nên việc chuẩn bị một khoản tiền để nuôi con, trước khi con chào đời là việc cần thiết giúp bố mẹ tự tin hơn, bớt áp lực hơn.

1 - Mua bảo hiểm y tế/bảo hiểm sức khỏe kèm theo bảo hiểm thai sản

Nhắc tới bảo hiểm thai sản, nhiều người vẫn thường lầm tưởng rằng đây là một loại bảo hiểm độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế, bảo hiểm thai sản chỉ là một quyền lợi bổ sung của bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm sức khỏe.

Bán nhẫn cưới được gần 2 triệu, cầm tiền đi mua thứ "không tưởng"- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong trường hợp bản thân đang có dự định "thả bầu", bạn nên mua bảo hiểm y tế/bảo hiểm sức khỏe kèm theo bảo hiểm thai sản để được chi trả chi phí thăm khám trong quá trình mang thai và sinh con.

Để được chi trả và nhận quyền lợi ở mức tối đa khi mua bảo hiểm thai sản, bạn cần tìm hiểu và nắm rõ khái niệm "thời gian chờ". Phần lớn các sản phẩm bảo hiểm thai sản hiện nay đều áp dụng mức thời gian chờ là 270 ngày.

Điều này có nghĩa là nếu bạn sinh con trong vòng 270 ngày sau khi mua bảo hiểm thai sản, bạn có thể sẽ không được tối đa quyền lợi của bảo hiểm thai sản.

2 - Lên kế hoạch tiết kiệm một khoản riêng phục vụ công cuộc bỉm sữa

Cần nhấn mạnh rằng đây là khoản tiết kiệm độc lập, chỉ dùng để phục vụ việc nuôi con chứ hoàn toàn không còn mục đích nào khác ở đây. Chính bởi thế, bạn cần tự mình làm rõ 3 vấn đề dưới đây:

- Mình sẽ nuôi con bằng sữa mẹ 100% hay kết hợp sữa mẹ và sữa công thức?

- Khi hết 6 tháng nghỉ thai sản, có thể nhờ ông bà hỗ trợ trông cháu để mình đi làm lại không, hay sẽ phải thuê giúp việc?

- Mình muốn nuôi con theo kiểu "tiết kiệm tối đa" hay "chi mạnh hết mức"?

Tự làm rõ được những vấn đề này rồi, tự khắc bạn sẽ tìm ra được mức ngân sách cho việc nuôi con hàng tháng, từ đó chuẩn bị được tài chính nuôi con.

NGỌC LINH
Ý kiến của bạn