Ban Quản lý các khu công nghiệp Hậu Giang - Mũi nhọn sắc bén thu hút đầu tư

Địa phương
10:52 AM 24/09/2020

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Ban Quản lý các KCN (BQLKCN) Hậu Giang đã vượt qua sự bất lợi do dịch Covid-19, hoàn thành hơn mong đợi chỉ tiêu mà tỉnh đề ra.

Ông Nguyễn Phong Minh – Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Hậu Giang

Tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch và đầu tư xây dựng 02 Khu công nghiệp, 04 Cụm công nghiệp tập trung và Trung tâm Điện lực Sông Hậu KCN, CCNTT, TTĐLSH, với quy mô diện tích khoảng 1.269 ha. Dịp này, ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng Ban Quản lý các KCN đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này. 

Ban Quản lý các khu công nghiệp Hậu Giang - Mũi nhọn sắc bén thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phong Minh – Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Hậu Giang

Phóng viên: Với vai trò tham mưu, BQLKCN vừa qua đã đóng góp rất lớn để UBND tỉnh ban hành Quyết định 1309/QĐ-UBND ngày 21/7/2020 về danh mục dự án thuộc ngành nghề thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đây là văn bản hết sức quan trọng trong việc thu hút đầu tư trong tình hình mới. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

Ông Nguyễn Phong Minh: Quyết định 1309/QĐ-UBND chính là kim chỉ nam của ngành công nghiệp Hậu Giang hiện nay và sắp tới. Quyết định này được ban hành căn cứ vào đề nghị của chúng tôi hồi tháng 6/2020 và sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh trong cuộc họp thường trực ngày 2/7/2020.

Quyết định 1309/QĐ-UBND xác định danh mục dự án thuộc ngành nghề thu hút đầu tư chung vào các khu, cụm công nghiệp tập trung với 18 nhóm ngành nghề. 

Đồng thời, quyết định cũng xác định rõ vị trí của từng nhóm ngành nghề thu hút đầu tư cụ thể: KCN Hậu Giang (Giai đoạn 1, khoảng 20ha đã giải phóng mặt bằng) 9 nhóm ngành; KCN Hậu Giang (Giai đoạn 1, khoảng 46 ha chưa giải phóng mặt bằng) 16 nhóm ngành; Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (Giai đoạn 3, khoảng 30ha) 14 nhóm ngành; KCN Tân Phú Thạnh (Giai đoạn 1, khoảng 34ha) 12 nhóm ngành; KCN Tân Phú Thạnh (Giai đoạn 1, khoảng 19ha) 9 nhóm ngành; Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A (khoảng 100ha) 19 nhóm ngành; Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú (Giai đoạn 1, khoảng 120ha) 6 khu với 40 nhóm ngành.

Phóng viên: 9 tháng đầu năm nay, BQLKCN Hậu Giang đã vượt qua khó khăn, hoàn thành vượt mức kế hoạch tỉnh đề ra. Xin ông cho biết, BQL đã làm được những gì để thu hút đầu tư trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch?

Ông Nguyễn Phong Minh: Chỉ tính trong quý 3 năm nay, BQLKCN đã tiếp và làm việc với 6 nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư với nhiều ngành nghề. Nếu tính từ đầu năm đến nay đã làm việc với 17 nhà đầu tư, tiếp nhận văn bản đề xuất dự án đầu tư 05 dự án mới và mở rộng của Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty TNHH Phước Nguyên, Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - Chi nhánh miền Nam, Công ty TNHH Chế biến lương thực Đồng Tiến, Công ty CP Thủy sản Cafatex; được UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư mở rộng dự án Cold Storage Logistic của Công ty CP Thủy sản Cafatex, dự án "Nhà máy phối trộn xi măng" của Công ty Cổ phần Vật tư Hậu Giang, nâng công suất lên 1.000.000 tấn/năm của Công ty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang.

Lũy kế từ đầu năm đến nay đã thu hút 06 dự án mới và mở rộng, đạt 120% chỉ tiêu nghị quyết. Tổng số vốn đăng ký là 2.187,44 tỷ đồng, thu hồi chủ trương đầu tư 03 dự án (Aqua One, DNTN Quốc Đại, DNTN Hồng Ngọc). Lũy kế tổng số dự án trong các khu, cụm công nghiệp tập trung là 57, có 55 dự án SXKD (có 06 nước ngoài) và 02 dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng, với tổng mức thu hút đầu tư trong nước là 73.657 tỷ đồng, ngoài nước là 488,4 triệu USD. 

Vốn triển khai dự án đến tháng 7/2020 là 3.543 tỷ đồng, đạt 101% chỉ tiêu nghị quyết.

Phóng viên: Trước tình hình tái diễn của dịch Covid-19, BQLKCN đã có kế hoạch ứng phó thế nào? Kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Phong Minh: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tái diễn phức tạp tại một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Ngãi,… Đảng ủy, lãnh đạo BQL đã chủ động chỉ đạo quyết liệt và kịp thời nhiều giải pháp phòng, chống dịch tại cơ quan và trong các doanh nghiệp, nhà thầu tại KCN. 

Đặc biệt, BQL rất quan tâm đối với doanh nghiệp, nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài hoặc có nhiều lao động; động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là việc nhập cảnh, cấp phép lao động nước ngoài vào làm việc để đảm bảo tiến độ thi công dự án đang xây dựng.

BQL đã phối hợp với sở ngành, địa phương thực hiện đưa đi cách ly tập trung 04 chuyên gia nước ngoài, lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động tại Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam 02 trường hợp, Công ty Hóa Nông Lúa Vàng 70 trường hợp. Triển khai đến doanh nghiệp, công chức, viên chức và người người lao động tại cơ quan khẩn trương tiến hành cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Kết quả đã có 9.585 người cài đặt, ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, trong đó 9.531 người lao động làm việc tại doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu trong các KCN và 54 công chức, viên chức và người lao động thuộc BQLKCN Hậu Giang. 

Nhìn chung, trong các doanh nghiệp KCN hiện nay ổn định, chưa phát sinh vụ việc gì phức tạp về dịch COVID-19 (ngoại trừ 02 trường hợp liên quan ANTT tại Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và Lạc Tỷ II), nhưng Sản xuất kinh doanh và tiến độ thi công dự án bị ảnh hưởng nhất định, nhất là việc sụt giảm đơn hàng kéo theo nhiều vấn đề khó khăn phải giải quyết như tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II.

Ngoài ra, BQL đã cấp, cấp lại 37 giấy phép lao động (GPLĐ) cho người nước ngoàì; cấp 86 C/O mẫu D cho Công ty TNHH Giấy Lee & Man. Lũy kế từ đầu năm đến nay cấp, cấp lại 105 GPLĐ cho lao động người nước ngoài làm việc trong KCN, CCNTT; cấp 231 C/O mẫu D

Phóng viên: Những tháng cuối năm, đối với công tác thu hút đầu tư theo Quyết định 1309/QĐ-UBND của tỉnh, BQLKCN đã có chuẩn bị gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Phong Minh: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1309/QĐ-UBND, BQLKCN sẽ xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư để thu hút các dự án tiềm năng, hiệu quả, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; quy chế thực hiện việc ký quỹ đối với các dự án đầu tư; quy chế quản lý, thanh tra xây dựng trong KCN. 

Theo dõi, đề xuất kịp thời việc thực hiện tích hợp quy hoạch, phát triển các KCN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

BQL cũng phối hợp thực hiện thủ tục cấp giấy CNQSDĐ cho Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Công ty CP Cảng Minh Phú, Đông Âu đợt 2; gia hạn tiến độ sử dụng đất của Công ty CP Đầu tư Thúy Sơn - HG, Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế RunLong, Công ty CP Thương mại Dịch vụ VDA Hậu Giang; chủ trương cho thuê mặt nước đối với các dự án trong KCN; thủ tục thực hiện công trình cầu và đường tạm của Công ty TNHH Sunpro Steel để hỗ trợ Công ty đủ điều kiện khởi công vào cuối năm. Phối hợp với địa phương tăng cường quản lý quy hoạch, xây dựng

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.