Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé: Phát huy lợi ích bền vững từ chính sách chi trả DVMTR
Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là một trong những đơn vị áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ rất sớm. Việc triển khai có hiệu quả chính sách này đã phát huy hiệu quả "3 trong 1", đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Huyện ủy, UBND huyện Mường Nhé, Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2023 với tinh thần và trách nhiệm cao, cùng với sự phối hợp giữa các ban, ngành trên địa bàn và nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức. Đến thời điểm hiện nay, an ninh rừng cơ bản ổn định, hoạt động bảo tồn thiên nhiên có nhiều chuyển biến tích cực.
Dẫn chúng tôi tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: Hiện Ban Quản lý được UBND tỉnh Điện Biên giao quản lý 46.730,51 ha rừng, trải dài qua 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè với địa hình phức tạp, địa bàn rộng.
Đa phần người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân trong khu vực vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán canh tác lạc hậu cộng với tình hình dân di cư tự do trong khu vực diễn biến phức tạp; việc phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép vẫn xảy ra gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và sinh thái. Trong những năm qua, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn 5 xã vùng đệm, Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé đã triển khai và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR.
Trong năm 2022, Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên xác nhận diện tích cung ứng DVMTR là 35.927,30 ha trong đó diện tích được chi trả tiền DVMTR (diện tích quy đổi theo hệ số K) là 35.255,68 ha. Theo Thông báo số 181/TB-QBVR ngày 12/6/2023, tổng số tiền đơn vị thực nhận từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên là 25,597 tỷ đồng, trong đó số tiền thanh toán cho các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng năm 2022 là 19,852 tỷ đồng; số tiền trích kinh phí quản lý và diện tích đơn vị tự quản lý, bảo vệ là 5,746 tỷ đồng.
Trong công tác giao khoán bảo vệ rừng, đơn vị đã thực hiện bảo vệ rừng cung ứng DVMTR ổn định cho các cộng đồng bản, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn các xã vùng đệm và thực hiện tự bảo vệ một phần diện tích với tổng diện tích là 36.061,33 ha. Trong đó, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 31.208,14 ha chiếm 86,54% tổng diện tích rừng. Diện tích rừng đơn vị tự bảo vệ là 4.853,19 ha chiếm 13,46% tổng diện rừng. Tổng số nhóm hộ, đơn vị hợp đồng khoán bảo vệ rừng là 42 nhóm. Tổng số thành viên tham gia nhận khoán bảo vệ rừng của các nhóm hộ là 1.970 thành viên (chưa bao gồm các đơn vị, lực lượng vũ trang).
Xác định công tác truyền truyền phổ biến về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành, các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến đến nhân dân các bản vùng đệm về các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành và của địa phương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR... Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị tổ chức được 38 buổi tuyên truyền với sự tham gia của 1.929 lượt người; vận động 1.970 hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.
Căn cứ vào kế hoạch do các trạm quản lý bảo vệ rừng xây dựng, hàng tháng các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng chia các tổ đi tuần tra, kiểm tra khu vực của nhóm nhận khoán bảo vệ theo kế hoạch. 6 tháng qua, Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé đã tổ chức được 413 lượt tuần tra, kiểm tra với sự tham gia của 4.710 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên chỉ đạo các trạm quản lý bảo vệ rừng đặc dụng các xã kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng tiền DVMTR và hướng dẫn các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng là cộng đồng bản ghi chép sổ công tuần tra rừng, sổ chi trả tiền công bảo vệ rừng đúng theo quy định.
Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR tại Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé đã phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Góp phần phát triển diện tích rừng trên địa bàn theo chiều hướng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm hại. Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân huyện Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung, tạo dựng lòng tin trong nhân dân, từ đó thúc đẩy người dân tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, góp phần ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội tại các địa phương miền núi. Những đồi núi trọc đang được hồi sinh, những cánh rừng nguyên sinh đang được giữ vững đã và đang có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác tại Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé.
Là đơn vị chuyên trách thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học trên phạm vi được giao với bao khó khăn thách thức, nhưng các cán bộ Ban Quản lý Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé vẫn sẽ cống hiến và nỗ lực hết mình cùng người dân bảo vệ màu xanh cho quê hương, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao đời sống từ đó xây dựng và phát triển mối quan hệ ngày càng gắn kết với rừng.
Mộc TràNăm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.