Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam: Quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam có diện tích 15.486,46 ha, nằm trên địa bàn của 04 xã: Bhalêê và A Vương (huyện Tây Giang), Tà Lu và Sông Kôn (huyện Đông Giang) thuộc tỉnh Quảng Nam. Với địa hình là các thung lũng hẹp với dòng chảy và thác dốc, Khu bảo tồn đã và đang tạo điều kiện sống cho đa dạng động thực vật rừng, trong đó có loài Sao la - loài vật nằm trong danh mục “Sách đỏ” của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và Việt Nam, một loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Để thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đất thấp điển hình ở dãy Trường Sơn, đặc biệt là bảo tồn nhiều loài động thực vật nằm trong "Sách đỏ Việt Nam" và "Sách đỏ Thế giới" đang bị đe doạ tuyệt chủng tại vùng đất này. Thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát triển loài Sao la cùng với các hệ sinh thái và sinh cảnh vùng cư trú thích hợp của loài này. Đồng thời, bảo vệ các nguồn gen quý còn tồn tại trong Khu bảo tồn; phát triển các nguồn gen, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Năm 2021, thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BQL ngày 4/1/2021, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La Quảng Nam tổ chức hàng loạt các hoạt động tuyên truyền tới cán bộ và nhân dân 15 cộng đồng thôn trên địa bàn. Cụ thể: cộng đồng thôn Đang, Atếêp, Ta lang của xã Bhalêê; Aur, Aréc, Ga'lâu, Cr'toonh của xã A Vương; Pà Nai, Aréh Đhrồng của xã Tà Lu; Gừng, Aduông của TT Prao; Pho, BhlôBền, K8, Bhơhồng của xã Sông Kôn. Nội dung: Tuyên truyền các văn bản của các cấp về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, kết hợp chiếu phim về các đề tài liên quan trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại các thôn.
Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam cũng lên kế hoạch tổ chức các đêm văn nghệ tại địa bàn các xã về chủ đề "Hát về quê hương đất nước và rừng xanh yêu thương"; tổ chức các cuộc thi tại các trường học trên địa bàn các xã vùng đệm về chủ đề "Tìm hiểu về động vật rừng và bảo vệ loài Sao la"; tổ chức các buổi tọa đàm "Chia sẻ giá trị Khu bảo tồn, các hành vi bị nghiêm cấm, tìm kiếm định hướng chung tay bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học".
Các hoạt động tuyên truyền nêu trên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, hướng tới mục tiêu quản lý bảo vệ, phát triển bền vững toàn bộ diện tích rừng và đất rừng hiện có, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; bảo vệ và phục hồi các loài đặc hữu và các loài động thực vật nguy cấp, quí hiếm khác; bảo vệ đất chống xói mòn, điều tiết duy trì nguồn nước; giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định sinh kế, nâng cao đời sống người dân địa phương thông qua việc tham gia các hoạt động bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chia sẻ lợi ích từ việc cung ứng các loại dịch vụ môi trường; nâng cao nhận thức về quản lý rừng; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Tạo ra giá trị kinh tế từ các hoạt động bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; cung ứng các loại dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thuê môi trường rừng để trồng dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và các hoạt động khác nhằm tạo nguồn tài chính bền vững cho chủ rừng và cộng đồng dân cư tại chỗ.
Đáng chú ý là mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 5/2/2021 "Phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021- 2030 của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la". Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sẽ sử dụng toàn bộ diện tích là 15.486,46 ha cho mục đích đất rừng đặc dụng. Đồng thời, tổ chức khoán bảo vệ rừng ổn định hàng năm trên diện tích 8.948,42 ha rừng tự nhiên cho các nhóm hộ gia đình theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Bên cạnh đó, "Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021- 2030" cũng đưa các kế hoạch triển khai như đẩy mạnh bảo vệ rừng thông qua việc tổ chức hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; khoán bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư, người dân địa phương; cắm mốc ranh giới, bảng ranh giới nhằm phân định ranh giới khu bảo tồn và giảm thiểu tình trạng xâm lấn tài nguyên rừng. Tổ chức thường xuyên các hoạt động tuần tra kiểm soát rừng, truy quét các điểm nóng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng và đất rừng theo quy định của pháp luật. Duy trì tổ chức và hoạt động tuần tra của các Tổ Bảo vệ rừng (Forest Guard) tại các mô hình hiện có. Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa chủ rừng, lực lượng kiểm lâm với ngành chức năng, chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng. Xây dựng và thực hiện phương án tài chính bền vững cho Khu bảo tồn để bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Đầu tư hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị giúp triển khai các hoạt động bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học…
Chia sẻ với PV, lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam cho biết, từ ngày thành lập Khu bảo tồn đến nay, các chuyên gia nước ngoài đánh giá sinh cảnh của Sao la dần phục hồi và tốt lên. Tần suất xuất hiện một số loài thú quý hiếm nhiều hơn so với trước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chịu sự tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã…
Do đó, ngay từ đầu năm 2021, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BQL ngày 4/1/2021 triển khai thực hiện việc "Tuần tra bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong lâm phận Khu bảo tồn Sao la". Kế hoạch này nhằm xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, các đối tượng có hành vi chống đối người thi hành công vụ, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại vào vùng lõi Khu bảo tồn nhằm bảo vệ các chức năng của rừng đặc dụng.
Theo đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thu thập thông tin về các đối tượng đầu nậu, chuyên nghiệp, thời gian, phương thức hoạt động và các thủ đoạn của các đối tượng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép. Xác định rõ các tụ điểm thường xuyên xảy ra các hoạt động vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, tiến hành truy quét xóa sạch các tụ điểm này.
Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam kiên quyết đẩy, đuổi các đối tượng vào rừng trái phép và xử lý nghiêm các đối tượng này khi có các vi phạm cụ thể gây ra; phá hủy toàn bộ các lán trại xây dựng trái phép trong rừng; tịch thu và phá hủy toàn bộ các dụng cụ, phương tiện đưa vào rừng trái phép để phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép trong Khu bảo tồn.
Các trạm quản lý bảo vệ rừng, các phòng chuyên môn thuộc Khu bảo tồn thường xuyên thu thập thông tin về các hoạt động phi pháp trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, đề xuất lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn để tổ chức kiểm tra, truy quét các điểm nóng xảy ra phá rừng, khai thác rừng, săn bắt động vật rừng trái phép. Các cán bộ, công nhân viên của Khu bảo tồn đã và đang ngày đêm ăn ngủ với rừng, đi tuần tra, gỡ bẫy cứu động vật, bảo tồn các hệ sinh thái rừng và tất cả các loài động vật hoang dã. Ban Quản lý Khu bảo tồn xác định sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2021 và các năm tiếp theo nhằm bảo vệ các giá trị bền vững của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam.
Phùng SơnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.