Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh với chăng đường 62 năm

Địa phương
01:12 PM 15/08/2022

“Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây, Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình” - không biết tự bao giờ đã sinh ra câu ví nói trên của người dân Xứ Nghệ, để nói lên tình yêu thuỷ chung của những đôi trai gái gắn liền với công cuộc lao động sản xuất và xứ mệnh trồng rừng, bảo vệ môi trường trên mảnh đất đầy nắng, đầy gió này

Theo các tài liệu nghiên cứu và thực tiễn thì Sông Lam chưa bao giờ hết nước, nhưng núi Hồng Lĩnh vào những năm 50 của thế kỉ XX chỉ còn lại một số cây tự nhiên và một số ít diện tích cây thông được trồng từ những năm Pháp thuộc. Thế rồi trải qua nhiều giai đoạn biến động của địa lí, sức tàn phá của thiên nhiên cũng như con người, núi Hồng Lĩnh trở thành đất cằn trơ sỏi đá. Căn cứ vào tình hình cụ thể để đáp ứng lợi ích của việc trồng rừng đối với các vùng dân cư sống quanh núi Hồng Lĩnh, năm 1960, Uỷ ban hành chính Hà Tĩnh đã quyết định thành lập Trạm Lâm nghiệp Nghi Xuân với nhiệm vụ trồng rừng chống xói mòn trên địa bàn huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Từ đó đến nay, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm Trạm Lâm nghiệp Nghi Xuân đã đổi qua những tên gọi như "Lâm trường Nghi Xuân"; "Lâm trường Hồng Lĩnh" và nay là Ban Quản lí rừng phòng hộ Hồng Lĩnh. Trải qua 62 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, từ một dải núi đá với những loại thực bì cây hoang dại. Đến nay, rừng Hồng Lĩnh đã trở thành lá phổi xanh khổng lồ bảo vệ môi trường sống cho các huyện thị như: huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, huyện Lộc Hà.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh với chăng đường 62 năm - Ảnh 1.

Hồ Thiên Tượng năm trong núi rừng Hồng Lĩnh là nơi cung cấp nguồn nước ngọt dầu nguồn cho Nhân dân(Ảnh internet)

Đặc biệt lá phổi xanh khổng lồ này còn là tấm thảm bao phủ, che chở nơi đầu nguồn cung cấp nước sạch cho thị xã Hồng Lĩnh và các vùng lân cận. Từ một vùng đồi núi đất cằn trơ sỏi đá, đến nay rừng Hồng Lĩnh đã có nhiều loại cây được trồng theo đặc điểm kết cấu và cấu tầng của đất như: Bạch đàn, Keo hoa vàng, Keo tai tượng... Từ Bến Thuỷ chạy dài đến huyện Lộc Hà được bao phủ một vệt dài màu xanh bát ngát của rừng thông. Có ai đó đã từng nói: "Rừng Hồng Lĩnh sẽ trở thành khu bảo tồn đa dạng sinh học". Nói như vậy thì hơi vội nhưng nếu nói: "Các hiện tượng phát triển nhanh của nhiều loại động thực vật đã minh chứng sức hồi sinh của rừng Hồng Lĩnh có tính đa dạng và cũng là nơi tự phát triển của một số loại động, thực vật".

Những năm trước đây, khi núi Hồng Lĩnh chưa được phủ xanh, với những chương trình trồng rừng thì các loại động vật quý hiếm ít khi tìm thấy. Nhưng đến nay, các loại động vật như trăn, rắn, lợn, khỉ, mang, các loài chim, các loại gia súc thả hoang lâu ngày, phát triển tự nhiên gắn với môi trường thiên nhiên trên núi Hồng Lĩnh. Nhó khi xưa đi rừng Hồng Lĩnh chỉ thấy đất đá trơ trọi, cằn khô, nay mật độ bao phủ của các loài thực, động vật đã làm cho rừng Hồng Lĩnh hồi sinh trở lại như rừng tự nhiên, nguyên sơ. Ngoài các loại cây được trồng theo các chương trình trồng rừng, còn có các loại cây tự nhiên được Ban Quản lí khoanh nuôi chăm sóc nay đã có đường kính gần 20cm.

Rừng Hồng Lĩnh nay đã là thành lũy vững chắc bảo vệ giông bão, xói mòn, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân các vùng lân cận, những tấm thảm thực bì, những khối lượng lá rừng mục nát, phân huỷ theo dòng nước tự nhiên chuyển xuống cho đồng ruộng đã tạo lên các loại phân hữu cơ tự nhiên chăm bón cho những cánh đồng lúa xung quanh dãy núi Hồng Lĩnh.

Trên 99 đỉnh non Hồng từ xưa tới nay có rất nhiều thắng cảnh đã ăn sấu vào nhiều tầng kí ức, được các thi nhân phóng bút đề thơ. Rừng thông Hồng Lĩnh nghiêng mình soi bóng xuống dòng Lam như gợi nhắc chúng ta những câu chuyện tình bất diệt đã đi vào huyền thoại. Con đường thiên lí Bắc Nam chạy dưới chân núi Hồng trong hai cuộc trường chinh vĩ đại đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét cho lịch sử dân tộc chống ngoại xâm. Chính vì thế mà trong bài: "Chào em cô gái Lam Hồng" nhạc sĩ Ánh Dương đã quá cảm xúc mà: "... Hồng Lĩnh ơi đỉnh cao mây vờn đã cùng em từng đêm thức trọn, nối tiếp những mạch đường quê nhà. Đường rộn ràng những tiếng xe qua...", Và ngày nay khi tiếng chuông chùa Hương Tích trên đỉnh Hồng Sơn (Hồng Sơn, một trong ba ngọn núi đẹp nhất dãy Ngàn Hống) ngân nga, trầm mặc vọng về trong lòng ta như muốn rũ bỏ bụi trần để đến nơi Hồng Sơn cửa Phật. Cũng chính trên 99 đỉnh non Hồng, Nguyễn Du đã từng vượt Truông Ngàn Hống, ngắm ánh trăng vàng để đến với những câu hát ví Phường Vải ở Trường Lưu...(Theo một số tài liệu thì khi sang Trường Lưu, Can Lộc, Nguyễn Du thường trèo qua Truông Yên Xử ở Xuân Hồng, Nghi Xuân ngắm cảnh gió trăng)

Rừng Hồng Lĩnh ngày nay, ngoài lợi ích kinh tế, môi trường sống thiết thực cho người dân còn là nơi tham quan, du lịch văn hóa tâm linh. Có được môi trường, thắng cảnh đó phần lớn nhờ vào thành quả trồng rừng của cán bộ công nhân ở Lâm trường Hồng Lĩnh và sự phối kết hợp của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Nhân dân và các ngành hữu quan trong suốt thời gian qua.

Lợi ích và tầm quan trọng của rừng Hồng Lĩnh là thế nhưng hiện nay Ban Quản lí rừng phòng hộ Hồng Lĩnh biên chế chính thức chỉ được 10 người có nhiệm vụ quản lí, chỉ đạo, bảo vệ chống chặt phá, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống sâu bệnh diễn ra trên địa bàn từ Xuân Hoa, Nghi Xuân đến Bến Thuỷ vào tận Lộc Hà có chiều dài trên 60km. Mùa nắng nóng từ tháng tư đến tháng tám lực lượng này phải trực 24/24 giờ hàng ngày, dụng cụ hỗ trợ phòng cháy chữa cháy rừng rất thô sơ, kinh phí hạn hẹp. Một số diện tích giao cho dân bảo vệ dần dần cấp trên giảm kinh phí, sản xuất kinh doanh chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ  nhựa thông ít ỏi. Nhận thức tầm quan trọng về rừng của một số người dân sống xung quanh rừng đang còn hạn chế. Chính vì vậy, thuận lợi thì nhiều nhưng khó khăn trong nhiệm vụ quản lí bảo vệ rừng trên đất Hồng Lĩnh cũng không ít. Có những năm mồng ba Tết, lực lượng quản lý rừng phải leo lên rừng vừa ăn bánh chưng vừa phun thuốc trừ sâu.

Ai đã từng sống trên đất Hồng Lĩnh đều đau xót khi trận cháy rừng năm 2019 xẩy ra tại khu vực Bến Thuỷ đã thiêu trụi 60ha rừng thông. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: Rừng thông Hồng Lĩnh nằm bên bờ Sông Lam không những là thành lũy, cảnh quan cho thị trấn Gia Lách mà còn là bức cẩm tú tạo cho thành phố Vinh thêm thơ mộng. Hiện tượng cháy rừng, chặt phá rừng phòng hộ Hồng Lĩnh trái phép sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, Nhân dân và các ngành hữu quan vào cuộc quyết liệt, và đặc biệt là công tác của cán bộ, nhân viên Ban Quản lí rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã quyết tâm bảo vệ rừng Hồng Lĩnh vằng cả trách nhiệm và trái tim.

Dương Chí Sỹ
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.