Ban Tôn giáo Chính phủ đề xuất tạm đình chỉ hoạt động điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng để điều tra vụ án.
Báo Tiền Phong đưa tin, trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM sáng ngày 1/6, ông Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết: “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là một điểm nhóm đăng ký hoạt động ở cấp phường, xã, chưa được quốc gia công nhận. Người đứng đầu hội nhóm này không thể gọi là mục sư”.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, điểm nhóm này hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, do tính chất hoạt động tôn giáo và sự chủ quan của người đứng đầu hội nhóm nên gây ra tình trạng lây lan bệnh dịch.
Thời gian qua, TP.HCM đã kịp thời khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người đối với điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Ông Vũ Chiến Thắng đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của điểm nhóm này để điều tra vụ án. Tùy vào kết quả điều tra có đề xuất xử lý cao hơn, có thể rút giấy phép hoạt động hoặc xóa hoạt động của điểm nhóm này.
Ngoài ra, ông Thắng đề nghị UBND TPHCM cần tăng cường công tác rà soát, vận động các tôn giáo chức sắc, cơ sở tôn giáo tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch đến các tín đồ, các cơ sở tôn giáo.
“Khởi tố vụ án do gây hậu quả nghiêm trọng chứ không khởi tố Hội thánh. Chúng ta không gây khó cho hoạt động tôn giáo” – ông Vũ Chiến Thắng nói.
“Hiện nay cả nước có hơn 2.000 F1 liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, rải rác tại nhiều tỉnh, thành, nhiều trường hợp đã thành F0. Cả nước có hơn 5.500 điểm nhóm, riêng TPHCM có hơn 150 điểm nhóm. Các điểm nhóm tôn giáo hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, xa, cấp phường xã quản lý nên công tác quản lý nhà nước còn hạn chế. Việc tuyên truyền phòng chống dịch chủ yếu chỉ mới gặp gỡ, tuyên truyền với người đứng đầu điểm nhóm, chưa trực tiếp xuống gặp các thành viên của các điểm nhóm", ông Vũ Chiến Thắng cho biết.
Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".