Bảng giá đất được tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025

Chính sách
02:45 PM 12/08/2024

Theo Bộ Tài chính, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Bộ Tài chính mới đây có công văn gửi các bộ ngành, địa phương hướng dẫn triển khai các quy định tại Luật Đất đai 2024 liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 cho phép các địa phương được áp dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31/12/2025. Sau đó các địa phương sẽ áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1/1/2026.

Bảng giá đất được tiếp tục áp dụng đến hết năm 2025- Ảnh 1.

Bảng giá đất cũ được áp dụng đến hết năm 2025

Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Trình tự điều chỉnh Bảng giá đất đối với trường hợp này (nếu có) thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024 ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn một tổ chức thực hiện định giá đất để xây dựng bảng giá đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trường hợp tại thời điểm đóng thầu, không có nhà thầu nào tham dự thì được gia hạn 1 lần. Sau khi gia hạn mà không lựa chọn được nhà thầu, Sở Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện hoạt động tư vấn xác định giá đất.

Tiếp đó, tổ chức thực hiện định giá đất tiến hành điều chỉnh bảng giá đất theo điều 14 của nghị định 71.

Các bước thực hiện định giá đất:

Bước 1: Điều tra, khảo sát, thu thập thông tin phục vụ việc xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí; việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Bước 2: Xác định loại đất, khu vực, vị trí đất tại từng xã, phường, thị trấn đối với khu vực xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí; xác định loại đất, tổng số thửa đất, số thửa đất của mỗi loại đất đối với khu vực xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Bước 3: Tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ kết quả điều tra, khảo sát, thu thập thông tin tại cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành đối với việc xây dựng bảng giá đất theo khu vực, vị trí.

Bước 4: Tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát, thu thập thông tin; thiết lập vùng giá trị; lựa chọn thửa đất chuẩn và xác định giá cho thửa đất chuẩn; lập bảng tỉ lệ so sánh đối với việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Bước 5: Xây dựng dự thảo bảng giá đất và dự thảo báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng dự thảo tờ trình về việc ban hành bảng giá đất, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tiếp thu, hoàn thiện tờ trình về việc ban hành bảng giá đất, hoàn thiện dự thảo bảng giá đất và báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất, trình hội đồng thẩm định bảng giá đất.

Hội đồng thẩm định bảng giá đất thực hiện thẩm định bảng giá đất và gửi văn bản thẩm định về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo bảng giá đất, trình UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất.

Bộ Tài chính cũng nêu thêm, thực hiện kế hoạch triển khai thi hành luật Đất đai 2024, ban hành kèm theo Quyết định số 222 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Nghị định số 104 quy định về Quỹ phát triển đất.

Trong đó có quy định về tính, thu, nộp, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Quy định về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của Quỹ phát triển đất; xử lý chuyển tiếp về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất, về hoạt động của Quỹ phát triển đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành.

PV
Ý kiến của bạn
Mong đợi từ những cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp Mong đợi từ những cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nhiều mục tiêu, ngoài nâng cao chất lượng lúa gạo, sản xuất lúa gạo bền vững, còn hướng đến giảm phát thải trong trồng lúa .