Bánh Cáy làng Nguyễn: Tinh hoa ẩm thực Việt

Địa phương
10:27 AM 14/10/2023

Từ lâu, bánh Cáy làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình. Bánh cáy chính là sự hòa quyện của các nguyên liệu như: gạo nếp, lạc, vừng, gấc, mỡ lợn, vỏ quýt,… mang tới hương vị ẩm thực thơm ngon, bình dị và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Theo sử sách ghi lại: Bà Nguyễn Thị Tần (đời thứ 6 tộc Nguyễn Công, làng Nguyên Xá, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) là người sáng tạo ra. 

Bà vốn là người thông minh, có nhiều công lao với triều đình nhà Lê. Bà từng giữ chức Cung Trung giáo tập (dạy con vua, cháu chúa), Phu nhân lưỡng giáo. Trong cung, bà được thưởng thức nhiều của ngon vật lạ, nhưng vốn xuất thân nơi thôn quê, nhớ món ăn quê nhà nên bằng chính những nguyên liệu sẵn có từ quê hương đồng nội, bà đã sáng chế ra một loại bánh mới có tên là bánh ngũ vị. 

Sau khi đem tiến vua, bánh ngũ vị được vua Hiển Tông khen ngon và đặt tên cho bánh là "bánh Cáy". Từ đó bánh Cáy gắn liền với quê hương nơi bà tổ nghề - Nguyễn Thị Tần, được lưu truyền và phát triển trong làng, ngoài xã đến ngày nay.

Bánh Cáy làng Nguyễn: Tinh hoa ẩm thực Việt - Ảnh 1.

Sản phẩm bánh Cáy của cơ sở Thiên Đức

Nét độc đáo của bánh Cáy làng Nguyễn chính là sự kết hợp các nguyên liệu từ hoa màu trong đời sống, tạo nên thứ bánh dẻo, thơm và có hương vị đặc trưng. 

Nguyên liệu chính của bánh Cáy là gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng, gấc, gừng, vỏ quýt, đường nha, mỡ lợn, nước quả dành dành. Gạo nếp cái hoa vàng được chia thành 2 phần, một phần đem rang tạo thành hoa, phần còn lại đem ngâm với nước trộn với gấc hoặc dành dành nấu thành xôi. Sau đó, xôi được giã thành bánh dày để nguội. Tiếp đó, bánh dày được thái mỏng rồi đem phơi khô, bảo quản. Lạc, vừng đem rang chín, giã nhẹ, bỏ vỏ. Gừng rửa sạch, cạo vỏ rồi nghiền nhỏ. Cùi dừa đem thái nhỏ, ướp đường làm mứt. 

Sau khi các nguyên liệu được chuẩn bị xong, đường mạch nha cho vào chảo đun sôi. Tiếp đó, cho gừng vào chảo và nhấc chảo ra khỏi bếp. Lần lượt bỏ các nguyên liệu khác vào chảo, trộn đều để tạo nên sự kết dính. Cuối cùng, cho tất cả các nguyên liệu vào khuôn đã rắc sẵn vừng và lạc, dùng con lăn để ép cho bánh được chắc, rồi cắt từng miếng cho vào bao bì, hoàn thiện bánh.

Quy trình sản xuất bánh Cáy. Ảnh: Kim Dung

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Nguyễn hiện nay vẫn giữ nguyên được nét văn hóa và thương hiệu của một làng nghề truyền thống không bị mai một bởi thời gian. Điển hình, ông Trần Văn Đức, một người dân của làng, đã mạnh dạn đầu tư máy móc nhà xưởng hiện đại để tạo nên sản phẩm bánh cáy Thiên Đức mang hương vị đặc trưng riêng, chất chứa tấm chân tình của người dân làng Nguyễn.

Ông Trần Văn Đức, chủ Xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức chia sẻ: "Hơn 30 năm gìn giữ và duy trì nghề truyền thống của làng, xưởng bánh kẹo Thiên Đức đã được người tiêu dùng đón nhận và yêu thích. Sản phẩm của chúng tôi gồm 81 loại bánh kẹo, trong đó bánh cáy, kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, chè lam đạt chuẩn OCOP. Chúng tôi đã sản xuất và gia công nhiều loại bánh kẹo đặc sản theo đặc trưng vùng miền trên cả nước. 

Bánh Cáy làng Nguyễn: Tinh hoa ẩm thực Việt - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Đức, chủ cơ sở Xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức. Ảnh: Thành Trung

Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, chúng tôi không ngừng cải tiến về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Riêng với bánh Cáy, là đặc sản ẩm thực của quê hương Thái Bình, đã được Thiên Đức duy trì và phát triển thành thương hiệu mạnh. Hiện tại, các sản phẩm của chúng tôi đang được phân phối cả nước và định hướng sẽ xuất khẩu sang sang Lào, Campuchia và Trung Quốc... 

Xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo Thiên Đức vinh dự là đơn vị đầu tiên tham gia OCOP năm 2020 và đạt hạng 4 sao, đồng thời đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022. Trong thời gian tới, xưởng sẽ tập trung nâng cao chất lượng bánh kẹo, hy vọng thương hiệu bánh cáy Thiên Đức có bước tiến xa hơn, được tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng trong nước và quốc tế".

Bánh Cáy làng Nguyễn: Tinh hoa ẩm thực Việt - Ảnh 4.

Ông trần Văn Đức trong Lễ tôn vinh thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2022

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bình Mạnh – Quyền Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng cho biết: "Làng nghề sản xuất bánh cáy đã có từ lâu đời, đang được bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Tất cả các hộ dân tham gia kinh doanh sản xuất các loại bánh kẹo trên địa bàn xã đều tuân thủ các quy định về ATVSTP và PCCC. Làng nghề đã thu hút hàng trăm lao động tham gia, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con địa phương. Ðây cũng là động lực để những người thợ làm bánh cáy làng Nguyễn tiếp tục gắn bó, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông.

Bánh Cáy làng Nguyễn: Tinh hoa ẩm thực Việt - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Bình Mạnh – Quyền Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá trong buổi làm việc với PV. Ảnh: Thành Trung

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển nghề, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để tăng cường sản xuất. Kèm theo đó, chúng tôi đã phối, kết hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật với những hàng hóa, sản phẩm được sản xuất trong làng nghề".

Bánh cáy làng Nguyễn

Người dân làng Nguyễn xem bánh cáy như một thứ quà đặc biệt dành biếu ông bà, cha mẹ hay những người thân để tỏ lòng kính trọng, yêu thương. Chính vì thế, mỗi dịp lễ, Tết, cúng giỗ tổ tiên, trên bàn thờ trong mỗi gia đình ở làng Nguyễn đều không thể thiếu bánh Cáy.

Sau đó, gia đình cắt và chia đều miếng bánh cho mọi người, để con cháu trong lúc nhâm nhi thêm nhớ về nguồn cội của mình. Với khách đến chơi nhà, đĩa bánh Cáy quê hương chính là món quà thể hiện lòng mến khách của gia chủ.

Thành Trung - Kim Dung
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.