Bánh cáy Thiên Đức – chất lượng tạo nên thương hiệu
Gần 30 năm tạo dựng và phát triển, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức đã trở thành thương hiệu có tiếng trên địa bàn tỉnh Thái Bình và các tỉnh thành trên cả nước. Bánh cáy là loại đặc sản đặc trưng và các sản phẩm bánh kẹo của cơ sở này đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Nghị lực của người nông dân nghèo
Nhắc đến bánh cáy, người ta sẽ nghĩ ngay đến Thái Bình, quê hương của loại bánh đặc sản, xuất xứ tại làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng). Tại ngôi làng này đã từ nhiều đời nay, có hàng trăm cơ sở chuyên sản xuất bánh cáy truyền thống. Và xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức do ông Trần Văn Đức làm chủ cũng không phải là ngoại lệ.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ đời ông bà, bố mẹ của ông Đức đã có nghề làm bánh cáy. "Thời đó, kinh tế còn nhiều khó khăn, các cụ làm bánh cáy chủ yếu là trong dịp lễ tết để biếu họ hàng, bạn bè thân thiết chứ không có làm bán. Sống trong gia đình làm nghề truyền thống, ít nhiều từ nhỏ tôi đã được trải nghiệm và tham gia việc làm bánh cáy", ông Đức nói.
Học xong phổ thông, ông Đức làm đủ nghề để kiếm sống, từ buôn đồng nát, phế liệu cho đến bán buôn, bán lẻ bánh kẹo đi đến các vùng miền. Một lần, ông Đức có giao bánh kẹo đến khu vực chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) thấy người dân địa phương bán loại bánh từ rau sắng rất đắt hàng. Trong đầu ông đặt ra câu hỏi: người ta làm được thì mình cũng có thể làm, nếu chỉ đơn thuần chỉ đi buôn bán bánh kẹo mà không đi vào sản xuất thì cuộc sống sẽ không thể khá lên được.
Nghĩ là làm, về nhà ông Đức bắt tay vào làm bánh rau sắng, một thời gian sau, sản phẩm bánh rau sắng của ông đã có mặt tại chùa Bái Đính (Ninh Bình).
Với bánh cáy, lúc đầu khi ông Đức bắt tay vào làm, sản phẩm đạt chất lượng tương đối tốt, tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không bảo quản được lâu do nhanh bị mốc. Dần dần, bằng sự cần cù, siêng năng học hỏi, nghiên cứu, bánh cáy do ông làm đã đạt chuẩn, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Năm 1997, với đồng vốn ít ỏi và vay mượn của nhiều người thân, bạn bè, ông Đức quyết định thành lập xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức trên chính quê hương làng Nguyễn.
Đem đặc sản quê lúa vươn xa trên khắp cả nước
Thời gian đầu, do hạn chế về nguồn vốn và nguồn nhân lực, xưởng chế biến bánh kẹo của ông Đức chủ yếu do vợ chồng ông trực tiếp đứng sản xuất và đưa đi tiêu thụ. Đến nay, sau gần 30 năm gây dựng và phát triển, cơ sở này đã và đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 70 lao động, không tính lao động thời vụ với mức lương dao động từ 7 – 15 triệu đồng/người. Ngoài ra, cơ sở còn thực hiện các chế độ, quyền lợi cho người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ, nghỉ, thưởng, trong các dịp lễ tết.
"Thời điểm khó khăn nhất là đợt dịch Covid-19, trong suốt 3 năm từ 2020 – 2022, cơ sở sản xuất của tôi cũng như các doanh nghiệp khác phải chịu ảnh hưởng nặng nề, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, thị trường ảm đạm. Nếu không có sự tích lũy nguồn vốn từ trước, tôi không thể gượng dậy để có được ngày hôm nay. Khi ấy, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, gian khổ, tôi vẫn duy trì cơ sở sản xuất bánh kẹo, cố gắng đáp ứng cơ bản nhất về mức thu nhập cho người lao động để họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc", ông Đức nhớ lại.
Và chính trong những thời điểm gian khó ấy, năm 2021, sản phẩm bánh cáy của xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, điều đó đã tạo nên động lực để cho ông Đức cố gắng tìm tòi, phát triển, sản xuất thêm các sản phẩm đặc sản đặc thù gắn bó với nền sản xuất nông nghiệp.
Ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất, liên tục cải tiến về chất lượng sản phẩm, đảm bảo chế độ đãi ngộ tốt với người lao động, xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức còn thường xuyên tham gia các chương trình thiện nguyện, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.
Hiện tại, ngoài sản phẩm bánh cáy, cơ sở bánh kẹo của ông Trần Văn Đức có sản xuất các loại kẹo vừng, kẹo dồi và kẹo lạc. Sản phẩm của cơ sở đã có mặt tại 63 tỉnh thành trên cả nước và các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, quốc lộ từ miền Bắc vào miền Nam.
"Từ đầu tháng 11/2024, cơ sở của tôi đã và đang tập trung sản xuất để đáp ứng thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025. Ước mơ của tôi cũng giản dị thôi, ngoài việc giữ gìn nghề truyền thống của quê hương, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tôi mong sản phẩm bánh cáy và các sản phẩm khác của tôi cũng như của người dân làng Nguyễn ngày càng vươn cao, vươn xa đến khắp mọi miền đất nước", ông Đức chia sẻ.
Minh Sơn - Thành Trung - Đức ThạnhQuốc hội cho thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng, trong vòng 5 năm từ ngày 1/4/2025.